1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiên Giang:

Hỗ trợ khẩn cấp cho dân "mất" lúa vì hạn, mặn

(Dân trí) - Sáng 3/2, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi thị sát tình hình hạn, mặn. Qua chuyến khảo sát, Bộ trưởng Phát chỉ đạo Kiên Giang tăng cường các công tác ứng phó vợ tình trạng hạn, mặn và ứng ngân sách hỗ trợ ngay cho nông dân.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh, đồng thời chủ động xuống giống sớm hơn so với lịch thời vụ để né hạn, mạn nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sớm gây ảnh hưởng và làm thiệt hại đến trà lúa mùa và đông xuân (chủ yếu trên nền sản xuất tôm – lúa) ở vùng U Minh Thượng. Đây là vùng sản xuất lúa dựa vào nước trời, hệ thống công trình ngăn mặn chưa đồng bộ, lượng mưa từ giữa đến cuối mùa mưa năm 2015 và trong mùa khô 2015-2016 thấp nên không đủ lượng nước ngọt để rửa mặn và tưới cho đến cuối vụ.

Tính đến đầu tháng 2/2016, toàn vùng đã có đã hơn 34.000 ha lúa bị thiệt hại, trong đó diện tích lúa mùa là 29.691 ha. Bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện An Minh với 16.453 ha của trên 8.000 hộ nông dân, tiếp đến là huyện An Biên với hơn 10.416 ha của 6.250 hộ nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Kiên Giang thị sát các vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn ở Vùng U Mình Thường
Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Kiên Giang thị sát các vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn ở Vùng U Mình Thường

Các huyện khác trong vùng như: Vĩnh Thuận, U Minh Thượng diện tích lúa bị thiệt hại cũng lên đến cả ngàn ha. Theo nhận định, với tình hình thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra như hiện nay thì tổng diện tích thiệt hại sẽ còn tăng thêm. Vì dự báo tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất đầu vụ hè thu của toàn bộ vùng U Minh Thượng và một phần của huyện Gò Quao với diện tích khoảng 12.500ha, sản xuất vụ xuân hè ở huyện Giang Thành với diện tích 5.000ha.

Theo ông Tâm, giải pháp trước mắt hiện nay là đắp đập tạm ở các cửa sông chưa có cống để ngăn mặn (toàn tỉnh đã đắp được 82/89 đập); đồng thời thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời những điểm nhiễm mặn mới phát sinh, tuyên truyền đến bà con nông dân các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước… Song song đó là phương án cấp nước sinh hoạt cho bà con nông dân khi nước mặt bị nhiễm mặn; chủ động các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô….

Sau chuyến thị sát, Bộ trưởng Phát chỉ đạo tỉnh Kiên Giang cần ứng ngân sách hỗ trợ ngay cho nông dân để họ có vốn tái sản xuất và đón Tết
Sau chuyến thị sát, Bộ trưởng Phát chỉ đạo tỉnh Kiên Giang cần ứng ngân sách hỗ trợ ngay cho nông dân để họ có vốn tái sản xuất và đón Tết

Để hạn chế thiệt hại do tình hình thời tiết cực đoan gây ra, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh 106 tỷ đồng để xây dựng các phương án ứng phó với hạn, mặn và nạo vét kênh mương. Đồng thời đề nghị ứng vốn ngân sách Trung ương khoảng 120 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai (trong đó riêng vụ mùa là khoảng 80 tỷ). Về cung cấp nước sạch nông thôn, tỉnh đề nghị được hỗ trợ 15 tỷ đồng để tăng thêm giếng khoan và kéo dài đường ống cấp nước cho dân vùng bị nhiễm mặn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại Kiên Giang là rất nghiêm trọng và còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tới. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền và ngành nông nghiệp cần có biện pháp bảo vệ diện tích lúa đông xuân để giảm thiệt hại, vụ hè thu cần cơ cấu lại mùa vụ cho phù hợp. Cơ quan chuyên môn về dự báo khí tượng thủy văn phải chi tiết hóa từng vùng, từng khu vực để hướng dẫn người dân sản xuất, với tần xuất cập nhật dự báo 15 ngày/lần. Các giải pháp ứng phó trước mắt là phải xây dựng nhanh các công trình tạm để ngăn mặn, giữ ngọt; có kế hoạch cụ thể để cấp nước sinh hoạt cho dân vùng hạn, mặn… Về sản xuất, phải có các giải pháp kỹ thuật để giảm thiệt hại và tuyên truyền sâu rộng đến cho dân để có cách ứng phó hạn, mặn thích hợp. Đối với những hộ dân có diện tích bị thiệt hại, cần ứng ngân sách để hỗ trợ ngay cho họ, tạo điều kiện tái đầu tư sản xuất.

Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt