1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

Thúy Diễm

(Dân trí) - Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỷ đồng.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 - 1

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần vừa được phê duyệt (Ảnh: Uy Nguyễn).

Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư; có tổng chiều dài khoảng 48km đi qua 11 xã thuộc 3 huyện (Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin) của tỉnh Đắk Lắk.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm dự phòng) khoảng 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 4.000 tỷ đồng, số còn lại là các chi phí khác.

Dự án sử dụng nguồn Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương) và ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 - 2030.

Quy mô dự án đường giai đoạn 1 hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h, phù hợp với quy hoạch. 

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32km trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 chiều dài hơn 48km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo.

Tiến độ dự án đến năm 2025, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn. Đến năm 2026, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.