Dấu mốc lịch sử và xung lực mới cho quan hệ Việt Nam với hai nước châu Úc
(Dân trí) - Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng đến Australia và New Zealand trên cương vị người đứng đầu Chính phủ đã củng cố sự tin cậy về nhiều mặt trong quan hệ Việt Nam và hai quốc gia châu Úc.
"Australia đón tiếp Thủ tướng rất đặc biệt. Việc Toàn quyền Australia đích thân lái xe đưa Thủ tướng đi tham quan Phủ là điều rất hiếm có, không phải lãnh đạo quốc gia nào cũng được dành cho nghi lễ như vậy", Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia Trần Bá Phúc chia sẻ với đầy vẻ tự hào và hãnh diện.
Tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand là những hoạt động chính của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 5 đến 11/3.
Chuyến công tác kết thúc mở ra chương mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới để phát huy giá trị, tầm vóc chiến lược của quan hệ ASEAN - Australia cùng mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với hai quốc gia châu Úc.
Một tuần công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có hơn 50 hoạt động và lịch di chuyển liên tục trên các hành trình bay: Hà Nội - Melbourne (Australia); Melbourne - Canberra (Thủ đô Australia); Canberra - Auckland (New Zealand); Auckland - Wellington (Thủ đô của New Zealand) và Wellington - Hà Nội.
Chuyến đi vì thế gặt hái nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần khẳng định vai trò, vị thế, trách nhiệm ngày càng cao của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, cho thấy bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".
Dấu mốc vàng trong quan hệ ASEAN - Australia
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Australia có ý nghĩa đặc biệt vì 50 năm là "dấu mốc vàng" của quan hệ để từ đó đề ra định hướng cho sự phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Tất cả lãnh đạo các nước đều đến Australia dự Hội nghị, nhưng chỉ có 3 người được mời thực hiện chuyến thăm song phương, và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 3 nhà lãnh đạo ấy. Đó cũng là một điều đặc biệt.
Vừa tham dự hội nghị, Thủ tướng vừa tranh thủ tối đa thời gian để gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các nước ASEAN, lãnh đạo Australia hay khách mời Timor Leste và Tổng Thư ký ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao nhận định Hội nghị này là minh chứng cho việc vai trò, vị thế của ASEAN ngày càng được quốc tế coi trọng.
Với mục tiêu vì tương lai, vì hòa bình và thịnh vượng, Hội nghị đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khi tin cậy chính trị ngày càng gia tăng; hợp tác thương mại, kinh tế, văn hóa - xã hội… và những lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất năng động và hiệu quả.
Hàng loạt định hướng lớn cũng được các nhà lãnh đạo hai bên thúc đẩy trên các lĩnh vực, như: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, nhất là thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thương mại điện tử; tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng, hợp tác biển, an ninh mạng; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, du lịch, văn hóa…
Hai bên cũng nhất trí đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột, vai trò của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng xử và trong hợp tác cùng đối phó thách thức chung.
"Tuyên bố Melbourne - Đối tác vì tương lai" và "Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN - Australia - Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng", là hai văn kiện được thông qua tại hội nghị, làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Australia thời gian tới.
Trong mối quan hệ này, Việt Nam là một quốc gia chủ động, tích cực, tham gia cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự và đàm phán văn kiện.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, và đề xuất những con số 3 trong quan hệ ASEAN - Australia của ông được quốc tế đặc biệt quan tâm, gồm: ba đột phá, ba tăng cường và ba cùng.
Ba đột phá gồm đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động; và đột phá trong hợp tác về khoa học - công nghệ.
Ba tăng cường gồm tăng cường tin cậy chính trị, đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác; tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.
Ba cùng gồm cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường; cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ; và cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm.
"Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị đã góp phần đề cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Australia", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
"Thành tựu lịch sử" đưa quan hệ Việt Nam - Astralia sang chương mới
Thành tựu lịch sử là cụm từ mà Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhắc đến khi nói về mối quan hệ hai nước.
Chuyến thăm Australia là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Trong ánh nắng vàng rực rỡ của mùa thu, 19 loạt đại bác vang rền cùng quốc thiều Việt Nam vang lên trên đồi Capitol ở Thủ đô Canberra. Australia đã chuẩn bị những nghi thức cao nhất đón người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, Toàn quyền Australia đã đích thân lái xe điện đưa Thủ tướng và Phu nhân tham quan Phủ Toàn quyền - cũng là một điều đặc biệt hiếm hoi mà ít nhà lãnh đạo nào được dành cho như vậy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong cuộc hội đàm đã công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện - đưa lịch sử quan hệ song phương bước sang một chương mới.
Australia trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm (từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024), Việt Nam đã có thêm 4 đối tác chiến lược toàn diện mới, gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Mối quan hệ vừa nâng cấp được ví như một mốc son trong quan hệ hai nước. Nhân dịp chuyến thăm, hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn, cũng là "6 điểm hơn" của khuôn khổ quan hệ mới.
Thứ nhất, tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn.
Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác khoa - học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn.
Thứ năm, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn.
Thứ sáu, hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh - quốc phòng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới "xứ sở kangaroo" cũng đạt nhiều thỏa thuận hợp tác thiết thực trong các cuộc gặp, hội kiến với lãnh đạo cấp cao nước này.
Ngoài ra, Thủ tướng đã dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn giáo dục, lễ khai trương Viện Nghiên cứu Chính sách Australia - Việt Nam và thăm một số cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo của Australia.
Một đề xuất quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh là việc tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho biết số lượng học sinh Việt Nam tại Australia rất lớn với 32.000 người, nhưng hầu hết là du học sinh tự túc bằng nguồn kinh phí riêng.
Vì vậy, Việt Nam kỳ vọng phía Chính phủ và các trường đại học của Australia tăng cường cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, đồng thời khuyến khích người học tìm thêm nguồn học bổng của các quỹ, chương trình hợp tác quốc tế.
Việt Nam - New Zealand hướng đến dấu mốc mới
Một lễ đón đặc biệt theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm chính thức New Zealand cũng được dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một buổi sáng nắng đẹp ở Thủ đô Wellington.
Màn múa vũ khí của thổ dân Maori, 19 loạt đại bác vang rền cùng 2 lần cử quốc thiều Việt Nam, đó là những nghi thức trang trọng được New Zealand dành để chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sau lễ đón thân tình, trọng thị và đầy ấn tượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm thành công với người đồng cấp Christopher Luxon.
Khi họp báo thông tin về kết quả hội đàm, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đó là một cuộc hội đàm đặc biệt.
Hai bên đã thống nhất các phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, được bao quát trong ba cặp từ khóa "ổn định và củng cố", "tăng cường và mở rộng", "tăng tốc và bứt phá".
Thứ nhất, ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.
Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa và giao lưu nhân dân, kết nối địa phương.
Trong đó, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Thứ ba, tăng tốc và bứt phá trong 3 lĩnh vực gồm: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...; kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển; hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.
Thủ tướng Christopher Luxon ví Việt Nam như một con rồng với sự phát triển vượt bậc, đạt tăng trưởng cao mỗi năm.
Hai bên thống nhất bổ sung lợi thế cho nhau khi New Zealand "đất rộng người thưa", còn Việt Nam "đất chật người đông", và đặc biệt, sự sẻ chia ấy, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đều đến với tình cảm chân thành từ trái tim tới trái tim.
Thủ tướng nêu rõ, định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; đẩy mạnh tư duy "hợp tác cùng có lợi" thay vì tư duy "thắng - thua".
GS John Allen, Hiệu trưởng Đại học Victoria Wellington (New Zealand) đánh giá rất cao các thông điệp được Thủ tướng đưa ra. Ông chia sẻ cảm nhận được sự chân thành, nhiệt tình, đầy năng lượng, truyền cảm hứng trong phát biểu chính sách của Thủ tướng tại cơ sở giáo dục này.
Loạt kết quả cụ thể và "điểm sáng" trong hợp tác giáo dục
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp, tọa đàm, thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu của thế giới và hai nước đẩy mạnh, mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam.
Các bộ, ngành Việt Nam - Australia đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong khi Việt Nam - New Zealand ký kết ba văn kiện; các trường đại học Việt Nam và hai nước cũng đạt được 13 thỏa thuận hợp tác.
Chuyến thăm hai nước cũng đã đạt nhiều kết quả hết sức cụ thể, thiết thực. Đơn cử, Thủ tướng Australia thông báo các thỏa thuận tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia vào năm nay.
Thủ tướng New Zealand công bố khoản viện trợ mới trị giá hơn 6 triệu đô la New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tập đoàn giáo dục Kalandra muốn cung cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam…
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia và New Zealand thu được nhiều thành quả trong hợp tác giáo dục.
"Thời điểm này, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và các nước được nâng lên một bước về cả chiều rộng và chiều sâu, quy mô và chất lượng", theo lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết tham gia đoàn công tác lần này còn có đại diện của 12 trường đại học của Việt Nam sang để ký các hiệp định, bản ghi nhớ trong hợp tác. 12 bản ghi nhớ trong hợp tác giáo dục cũng đã được ký kết giữa các trường đại học của Việt Nam với trường đại học của Australia và New Zealand, sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thể hiện mong muốn Australia và New Zealand tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc khuyến khích việc mở thêm phân hiệu và các chương trình đào tạo tại Việt Nam, đặc biệt với những trường có danh tiếng và hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận.
Ông cũng kỳ vọng Australia và New Zealand sẽ tăng cường các chương trình liên kết, mở thêm các chương trình mới, trao thêm học bổng, tập trung đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu cao như công nghệ kỹ thuật mới, lao động chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng để đạt mục tiêu về tăng cường nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, các trường đại học của Việt Nam vẫn phải đóng vai trò chủ động, nòng cốt, có tính chất quyết định.
Nhưng hợp tác quốc tế cũng là một giải pháp được ưu tiên để hiện thực hóa mục tiêu này. Ngoài việc tăng chuyên gia đến từ các nước có công nghệ mũi nhọn, có sở trường cả về đào tạo và sản xuất như Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam cũng hướng đến hợp tác với những quốc gia có ưu thế trong lĩnh vực này như Australia, New Zealand.
Cũng nhân chuyến thăm, Thủ tướng đã tiếp một số hội Việt kiều, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Australia và New Zealand. Nhiều cuộc gặp kéo dài hơn thời gian dự kiến, song Thủ tướng liên tục khuyến khích các ý kiến phát biểu bằng câu hỏi "Còn ai có ý kiến nữa không?".
Chính sự cởi mở, gần gũi ấy đã giúp nhiều sinh viên, kiều bào người Việt ở hai quốc gia châu Úc có thêm động lực, mạnh dạn chia sẻ quan điểm và vấn đề của mình.
Với những kết quả đạt được, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy vị thế, vai trò của Việt Nam, đồng thời đánh dấu cột mốc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và củng cố, tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand.