Cục Đường bộ yêu cầu sửa chữa triệt để các hư hỏng trên cao tốc
(Dân trí) - Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa triệt để các hư hỏng mới phát sinh trên cao tốc.
Những ngày qua, báo Dân trí đăng tải vụ việc khe co giãn trên cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, đoạn qua xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị bung bật khiến hàng loạt ô tô nổ lốp gây mất an toàn giao thông.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của báo Dân trí, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) II thực hiện giải pháp đảm bảo giao thông tạm thời và đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công khẩn trương thực hiện các giải pháp sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc được giao quản lý (từ Bắc hầm Tam Điệp đến Diễn Châu và Cam Lộ - La Sơn) Khu QLĐB II đã yêu cầu các Ban QLDA (chủ đầu tư các dự án đoạn tuyến cao tốc) chủ động kiểm tra, rà soát toàn bộ các đoạn tuyến để phát hiện, xử lý triệt để các dạng hư hỏng tương tự phát sinh trên tuyến.
Đồng thời, Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị bảo trì, vận hành cao tốc, các Văn phòng QLĐB khu vực tăng cường tuần tra tuyến, tăng tần suất kiểm tra đối với các vị trí có nguy cơ phát sinh hư hỏng, xử lý kịp thời đảm bảo giao thông, bố trí hệ thống cảnh báo để người điều khiển giao thông dễ nhận biết.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa triệt để các hư hỏng mới phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu.

Lực lượng chức năng sửa chữa lại khe co giãn sau sự cố (Ảnh: Hoàng Dương).
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến tháng 9 tới, hệ thống giao thông thông minh (Intellient Transport System - ITS) đang được Bộ GTVT đầu tư với ứng dụng công nghệ hiện đại, làm việc liên tục 24/7, khi đưa vào sử dụng sẽ giám sát toàn bộ hoạt động giao thông trên tuyến cao tốc.
Cục Đường bộ Việt Nam tin tưởng, với việc đưa hệ thống này vào sử dụng sẽ phát hiện kịp thời các hư hỏng, xử lý khẩn cấp những sự cố giao thông bất ngờ xảy ra trên tuyến nhanh chóng hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên cao tốc.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn báo Dân trí và mong nhận được sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để công tác xây dựng, quản lý, khai thác các tuyến cao tốc ngày một an toàn, thông suốt, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, cầu sông Nhơm, xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Dự án được Ban quản lý dự án (QLDA) 2 và các nhà thầu thi công bàn giao cho Khu quản lý đường bộ (QLĐB) II đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2024.
Kể từ ngày bàn giao, đơn vị thi công phải thực hiện trách nhiệm bảo hành trong thời gian 24 tháng theo hợp đồng đã ký và quy định pháp luật về xây dựng.
Sau khi tiếp nhận, Khu QLĐB II đã ký hợp đồng với đơn vị quản lý, vận hành cao tốc thực hiện công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên cao tốc.
Quá trình tuần tra tuyến, vào 18h30 ngày 6/2, đơn vị quản lý vận hành đã phát hiện khe co giãn trên mố phía Bắc (trái tuyến, hướng Vinh - Hà nội) bị hư hỏng, nứt vỡ bê tông, tấm thép khe co giãn dạng răng lược bị bong bật khỏi vị trí.
Ngay sau đó, đơn vị quản lý, vận hành cao tốc đã báo cáo các đơn vị về sự cố và việc một số ô tô bị hư hỏng, thủng lốp để phối hợp xử lý.
Ngày 8/2, nhà thầu thi công xây dựng cầu Sông Nhơn đã tiến hành sửa chữa xong hư hỏng khe co giãn, đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc đã phối hợp, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình sửa chữa.
Với vai trò quản lý nhà nước, trước khi việc hư hỏng khe co giãn cầu sông Nhơm xảy ra, Cục Đường bộ Việt Nam và các Khu QLĐB đã chủ động có các văn bản chỉ đạo, thực hiện rà soát toàn bộ các tuyến đường cao tốc nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng để xử lý hoặc đề nghị Ban QLDA, nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa.