"Tạm thời giữ nguyên tổ chức và mô hình chính quyền địa phương"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đang tạm thời giữ nguyên tổ chức và mô hình chính quyền địa phương như hiện nay, chưa điều chỉnh.
Sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Theo bà Trà, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nguyên tắc xây dựng luật này cũng có nét tương đồng với nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ.
Bà Trà khẳng định, trọng tâm là phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp phân quyền và ủy quyền cho chính quyền địa phương để thực hiện phương châm theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
![Tạm thời giữ nguyên tổ chức và mô hình chính quyền địa phương - 1 Tạm thời giữ nguyên tổ chức và mô hình chính quyền địa phương - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/YcVo5Ueq9HR6a0fH2fX6LIKeeXo=/thumb_w/1020/2025/02/15/1-1739592170462.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu nêu (Ảnh: Phạm Thắng).
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc đang tồn tại trong các luật chuyên ngành, nhằm đảm bảo khơi thông, thực hiện những nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
"Như tôi đã báo cáo, có 177/259 luật chuyên ngành đang quy định rất rõ về thẩm quyền của bộ trưởng, 152 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của HĐND, UBND chồng chéo với 92 luật quy định cả ba cấp. Nếu không đưa ra cơ chế pháp lý để tháo gỡ thì rất khó khăn", nữ Bộ trưởng khẳng định.
Theo bà Trà, dịp này ban soạn thảo đề xuất theo hướng sửa đổi căn bản và toàn diện, tuy nhiên cũng có những vấn đề mang tính ổn định trước mắt để đảm bảo vận hành thông suốt của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về nguyên tắc tổ chức hoạt động của tổ chức chính quyền địa phương và phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền, bà Trà cho biết đây là những ý kiến rất chính đáng.
Ban soạn thảo đã nghiên cứu trên cơ sở những nguyên tắc chung của Hiến pháp, căn cứ Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương và chủ trương của Bộ Chính trị để thiết kế tổ chức và hoạt động tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần đổi mới hơn nhằm đáp ứng vận hành thực tiễn sau sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị
Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, bà Trà cho biết mục tiêu là phân định rõ giữa cơ quan Nhà nước ở trung ương và ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Về nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng có ý kiến đại biểu còn băn khoăn làm sao đảm bảo được để địa phương thực sự sáng tạo, tự chịu trách nhiệm trong vận hành, đảm bảo nguyên tắc "địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm".
"Chúng tôi đã thiết kế về mặt tổng thể đảm bảo rành mạch mối quan hệ giữa các chủ thể như phạm vi, hình thức, quản lý, điều kiện đảm bảo, trách nhiệm giữa các chủ thể; phù hợp phương thức quản lý và pháp lý về phân quyền, phân cấp...", bà Trà nói.
Liên quan đến các ý kiến về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND, theo Bộ trưởng Nội vụ, ban soạn thảo đã bám sát các chủ trương của Đảng và Hiến pháp để tránh chồng chéo và chưa rõ ràng nhiệm vụ giữa tập thể và cá nhân.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, kế thừa, đổi mới để làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể nhằm phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương.
Về tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương, bà Trà khẳng định đang tạm thời giữ nguyên như hiện tại.
"Chúng ta phải tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, sẽ có điều chỉnh nên tạm thời giữ nguyên. Nếu không giữ nguyên thì có hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương cũng như mô hình chính quyền địa phương", bà Trà nói.
Về chính quyền đô thị, bà Trà cho hay vẫn thực hiện như các nghị quyết của Quốc hội, còn đối với các địa phương đô thị trực thuộc Trung ương thì vẫn tiếp tục có thể đề xuất việc này, không có gì vướng.
Trong bối cảnh cả nước tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương nên Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án tạm thời giữ lại.