1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đấu giá lại mỏ cát gần 3.000 tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận

Ngô Nguyễn

(Dân trí) - Liên quan đến mỏ cát gần 3.000 tỷ đồng, một lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, sẽ tổ chức đấu giá lại và nâng số tiền ký quỹ, tránh tình trạng doanh nghiệp vào "đùa giỡn".

Liên quan đến Công ty TNHH TM&DV T-S.Home - đơn vị trúng  quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) với giá hơn 2.800 tỷ đồng, đại diện Sở TN -MT tỉnh An Giang cho biết, doanh nghiệp này đã bỏ số tiền đặt cọc hơn 1 tỷ đồng.

Trước thông tin này, ngày 11/3, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, việc doanh nghiệp bỏ cọc là chuyện bình thường. Doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ phải ký quỹ một số tiền nhằm hạn chế một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong việc đấu giá. Tuy nhiên, vụ đấu giá mỏ cát Bình Phước Xuân cũng là một bài học. Khi tổ chức đấu giá lại sẽ nâng số tiền ký quỹ lên để tránh trường hợp tương tự xảy ra như lần đầu.

Đấu giá lại mỏ cát gần 3.000 tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận - 1

Doanh nghiệp trúng quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã bỏ tiền cọc (Ảnh: Nguyễn Hành).

Một lãnh đạo doanh nghiệp ở miền Tây đề nghị, cần có chế tài xử phạt những đơn vị chưa nghiêm túc khi tham gia vào đấu giá để Nhà nước, doanh nghiệp chân chính không mất thời gian, công sức và tiền của.

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 26/3, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng đối với mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) và mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân).

Mỏ Bình Phước Xuân có trữ lượng dự kiến khai thác hơn 2,3 triệu m3, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khởi điểm tạm tính tương đương 7,2 tỷ đồng.

Đấu giá lại mỏ cát gần 3.000 tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận - 2

Một lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, khi tổ chức đấu giá mỏ cát lại sẽ nâng số tiền ký quỹ để tránh một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc khi tham gia đấu giá (Ảnh: Nguyễn Hành).

Cuộc đấu giá trải qua 45 vòng, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 1.951%, tạm tính là 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH TM&DV T-S.Home, trụ sở tại TPHCM.

Tuy nhiên, sau nhiều lần hẹn, công ty T-S.Home không hoàn thành nghĩa vụ tài chính , buộc Sở TN-MT tỉnh An Giang có tờ trình với UBND tỉnh về việc hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông Tiền.

Theo Sở TN-MT An Giang, với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát hơn 2.800 tỷ đồng, công ty T-S. Home phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với số tiền còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía công ty lại đề xuất cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên.

Điều làm dư luận quan tâm hơn khi một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn, bỏ ra số tiền hơn 2.800 tỷ đồng để trúng quyền khai thác mỏ cát nhưng đến khi nộp số tiền lần đầu, doanh nghiệp này lại "cù cưa", sau đó còn xin lại tiền đặt cọc trước khi "bỏ của chạy lấy người".