Nghệ An:
Dân “tố khổ” vì trại lợn gây ô nhiễm
(Dân trí) - Vì chưa triển khai các biện pháp khắc phục môi trường và vẫn tiếp tục xả thải bẩn, Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương đã bị đề nghị tạm thời đình chỉ sản xuất.
Người dân xã Đại Sơn (Đô Lương) ra điều kiện hoặc di dời trại chăn nuôi lợn giống hoặc di dời người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm
Sau 3 ngày lập lán làm chốt chặn đường vận chuyển thức ăn vào trại lợn giống của Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương, hàng trăm người dân xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) chưa có ý định dỡ lán. “Hoặc là di dời trại lợn hoặc là có phương án tái định cư cho những hộ dân trong vùng ô nhiễm nặng. Chúng tôi đã chịu đựng 7 năm nay rồi, không thể chịu đựng thêm nữa”, bà Nguyễn Thị Nguyệt (xóm 9, xã Đại Sơn) bức xúc.
Và chuẩn bị cho một "cuộc chiến" lâu dài
Vừa đặt chân vào lán, chúng tôi bị hàng chục người dân vây lấy và thi nhau tố khổ. Theo phản ánh của người dân, kể từ khi Trại lợn giống ngoại Thái Dương xây dựng và đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân các xóm 7, 8, 9, 10 của xã Đại Sơn phải sống khổ sở bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi của đơn vị này; đặc biệt là 7 hộ dân sinh sống ngay sát trại lợn.
Bà Nguyệt cho biết thêm: “Nhiều bữa nước thải, phân lợn tràn qua tường rào xuống đường rồi tràn vào vườn, vào giếng, thối không chịu nổi. Có hôm chó còn tha cả con lợn chết vào sân. Đấy cô chú xem, dân nhà quê mà vườn tược, đồng ruộng phải bỏ hoang vì phân lợn tràn vào nhiều quá, không có cây gì sống được trừ cỏ cả”.
Cống dẫn nước thải trong khuôn viên trại chăn nuôi được che đậy một cách sơ sài
Mương nước rộng khoảng chừng 5m chạy dọc phía ngoài trại chăn nuôi lợn có màu nước nâu đen. Chỉ cần ném xuống một hòn đá, lập tức nước trong mương cuộn lên đen ngòm. Trên con đường đi vào khu vực dân cư vẫn còn đọng lại những vũng nước với màu nâu đỏ đặc trưng, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những bãi phân lợn đọng lại trong các lùm cỏ. Đi từ trên núi xuống, đàn trâu bò sục miệng xuống những hố nước đọng để uống.
“Nước phân của trại lợn tràn đi khắp nơi, nước chỗ mô cũng bị ô nhiễm rứa cả. Chúng tôi còn đi mua nước sạch hoặc lên xóm trên xin nước về dùng cho người chứ răng mà đi mua nước uống cho trâu bò thì lấy tiền mô”, một người phụ nữ chăn bò cho biết.
Nước thải vẫn chảy thẳng xuống hố chứa sơ sài
Chúng tôi ghé vào thăm nhà ông Phan Văn Hải (xóm 9, xã Đại Sơn) - người đang thoi thóp bởi căn bệnh ung thư vòm họng. Nhà ông Hải là một trong những khu vực được “đón tiếp” nguồn nước thải từ trại lợn giống Thái Dương. Khó nhọc cất lời khi chiếc u trong miệng đã khá to, ông Hải cho biết anh họ của ông là Phan Văn Minh sống ngay cạnh đó cũng chết vì căn bệnh ung thư cách đây 3 tháng. Ngay nhà bên cạnh là ông Trần Văn Tẩu cũng đang thoi thóp bởi căn bệnh ung thư phổi
“Chỉ tính riêng 7 hộ dân sát trại lợn này đã có 3 người bị ung thư và 4-5 người mắc bệnh xoang, phổi rồi. Chúng tôi thì chẳng nói làm gì nữa, chỉ thương bọn trẻ con…”, ông Hải chỉ nói được đến đó rồi dừng lại. Ngay trên đỉnh màn vẫn còn treo chiếc khẩu trang. Người đàn ông khốn khổ đang đợi tử thần đến mang đi vẫn phải dùng khẩu trang kể cả khi ngủ để chống chọi với mùi hôi thối từng đêm.
Và chảy vào hố chứa nước thải lộ thiên
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn - cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ở trại lợn Thái Dương diễn ra từ lâu lắm rồi. Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi các cấp đề nghị giải quyết. Nhiều đoàn công tác của huyện rồi tỉnh đã về làm việc, yêu cầu công ty phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chỉ thay đổi được chút ít. Hàng đêm chúng tôi vẫn cắt cử lực lượng đi kiểm tra việc xả thải của trại lợn này và đã 12 lần lập biên bản quả tang công nhân của trại đang cố gắng đắp phần bờ bị vỡ khiến nước thải trong trại tràn ra ngoài”.
Ngay sáng ngày 14/11, một cuộc họp đã được tổ chức tại UBND xã Đại Sơn với sự tham gia của đại diện Sở TN&MT Nghệ An, Sở NN&PTNN, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, UBND xã Đại Sơn và đại diện Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương.
Ông Võ Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương - chủ trì phát biểu sau cuộc họp: “UBND huyện đã giao cho Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương xây dụng biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường một cách triệt để, dứt điểm, không để dây dưa như thế này mãi. Đồng thời công ty phải báo cáo lộ trình thực hiện dự án cụ thể với đoàn để đoàn tổng hợp xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Trong việc khắc phục hậu quả quá chậm, do vây huyện đề nghị UBND tỉnh nếu cần thiết có thể sử dụng các biện pháp mạnh để yêu cầu công ty hoàn thành việc xử lý khắc phục môi trường cho nhân dân. Về trách nhiệm của huyện trong việc tổ chức tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi cũng đang hết sức nỗ lực”.
Nước thải tràn ra khắp nơi, trâu bò không có nước sạch để uống
Công văn đề nghị tạm thời đình chỉ sản xuất đối với Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương của UBND huyện Đô Lương gửi UBND tỉnh Nghệ An
Ông Nguyễn Thúc Thanh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: “Tiến độ triển khai các hoạt động khắc phục, xử lý môi trường của Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương quá chậm. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An thì đến tháng 30/8/2011 phải xong nhưng qua hai lần gia hạn vẫn chưa hoàn thành. Trong cuộc họp này công ty lại tiếp tục xin gia hạn đến trung tuần tháng 12/2011. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp ngành có biện pháp buộc công ty này phải tuân thủ tiến trình thực hiện mà UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Đô Lương đề ra”.
Ông Phan Văn Hải - bệnh nhân ung thư của xóm 9 lo lắng: "Chỉ thương lớp trẻ..."
Tuy nhiên trong Công văn 220811/CV-MT của Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương gửi UBND tỉnh Nghệ An, công ty này cho biết nếu thời tiết thuận lợi thì dự kiến đến tháng 12/2011 các hạng mục thi công các công trình hầm, hồ chứa, bể lọc… mới có thể hoàn thành; Các loại máy móc, phương tiện thiết bị để lắp đặt phải đến tháng 1/2012 mới đến chân công trình và do đó phải đến tháng 4/2012 công trình mới đưa vào hoạt động. Nếu vậy thì thời gian xin gia hạn đến trung tuần tháng 12/2011 mà Công ty này đưa ra trong cuộc họp sáng ngày 14/11 sẽ khó thực hiện.
Hoàng Lam