1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bỏ nhà vì động đất

(Dân trí) – Theo thống kê sơ bộ của huyện Bắc Trà My, hiện có gần 30 hộ tái định cư bỏ nhà đi nơi khác vì động đất và vì không phù hợp với tập tục sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2045/Dong-dat-lien-tiep-tai-thuy-dien-Song-Tranh.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Động đất liên tiếp tại thủy điện Sông Tranh</b></a>

Đây là những ngôi nhà do BQL dự án thủy điện 3 xây dựng cho người dân di dời, nhường đất cho nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.
 
Nhà TĐC bỏ hoang cỏ mọc lút đầu
Nhà TĐC bỏ hoang cỏ mọc lút đầu 

Bỏ nhà vì động đất

Mấy hôm nay, ông Hồ Văn Dúi (thôn 3A, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) chuẩn bị tranh tre và mây để làm một căn nhà tạm bên cạnh căn nhà TĐC cho hai vợ chồng cùng 5 người con của mình ở. Những người hàng xóm cũng chung tay phụ giúp với ông để hoàn thành căn nhà.
 
Ông Hồ Văn Dúi đang vác mây về làm nhà tạm bên cạnh nhà TĐC.
Ông Hồ Văn Dúi đang vác mây về làm nhà tạm bên cạnh nhà TĐC.

Gặp ông ngay đầu dốc dẫn lên khu TĐC, ông vừa vác bó mây vừa nói: "Sợ lắm rồi, mấy hôm nay đất cứ rung chuyển miết nên tôi vào rừng kiếm tre và mây về làm căn nhà tạm bên cạnh để ở cho yên tâm thôi".

Trong khi chờ ông mang mây về, gần 10 người hàng xóm đã đào hố, dựng trụ… Những người này cho biết, họ làm giúp cho nhà ông Dúi vài ngày. Hết nhà ông Dúi thì sang làm cho nhà người khác ở trong khu TĐC này.
 
Gần 10 người hàng xóm đến giúp ông Dúi dựng nhà tạm.
Gần 10 người hàng xóm đến giúp ông Dúi dựng nhà tạm.
 
Cách nhà ông Dúi một quãng là nhà ông Hồ Văn Xí. Năm nay đã 80 tuổi, ông cũng đã có nhà TĐC do BQL dự án thủy điện 3 xây cho nhưng khi chúng tôi đến, ông đang ngồi trong căn nhà bằng ván lợp tôn bên cạnh. Mấy hôm nay, ông bỏ công sức cùng các con làm thêm mái chái bên cạnh căn nhà ván để cho con cháu ông ở. Gia đình ông Xí cũng không dám ở trong căn nhà xây vì sợ động đất.
 
Ông Hồ Văn Xí trong căn nhà gỗ của mình
Ông Hồ Văn Xí trong căn nhà gỗ của mình

Con gái ông Xí, chị Hồ Thị Lan (23 tuổi) than thở: “Chúng tôi sợ lắm rồi, không dám ở nhà xây nữa đâu. Mấy ngày hôm nay toàn ở nhà gỗ này thôi”. Theo chị Lan, nhà TĐC bị nứt nẻ do động đất trong những ngày vừa qua nên không ai dám ở vì sợ nhà sập.

Đi khắp các khu TĐC của xã Trà Đốc, chúng tôi nghe người dân nói nhiều về nỗi sợ hãi của mình về những trận động đất vừa qua. Họ lo sợ đến mức không dám đi làm rẫy vì ra rẫy lại sợ… đất sụp.
 
Ông đang làm thêm mái chái bên cạnh nhà gỗ để con cháu ở
Ông Xí đang làm thêm mái chái bên cạnh nhà gỗ để con cháu ở.

Mấy hôm nay cán bộ từ huyện đến xã đi xuống tận thôn xóm tuyên truyền vận động người dân không nên bỏ bê nương rẫy. Nếu vì lo sợ động đất mà bỏ bê công việc có thể dẫn đến nguy cơ thiếu đói. Người dân tuy đã nghe, đi rẫy trở lại nhưng vẫn không thể yên tâm vì động đất vẫn xảy ra liên tục. 

Nhiều nhà người dân đã bỏ đi, cửa bị hư hỏng
Nhiều nhà người dân đã bỏ đi, cửa bị hư hỏng.

Bỏ nhà TĐC vì thiếu đủ thứ

Một trong những lý do người dân bỏ nhà TĐC còn do thiếu nước sản xuất, xa nương rẫy. Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, hiện có gần 30 nhà TĐC của BQL dự án thủy điện 3 xây cho người dân bị bỏ hoang, trong đó xã Trà Đốc có 24 nhà, xã Trà Bui có 4 nhà.

Ông Hồ Văn Sơn (thôn 3A, xã Trà Đốc) kể: "Tôi từ thôn khác đến đây TĐC nhưng lại xa nương rẫy quá nên kế sinh nhai cho gia đình cũng khó khăn. Mỗi lần đi rẫy tôi phải đi hơn 5 cây số nên tôi dựng lều ngoài rẫy ở luôn. Khi nào mùa rẫy xong thì lại trở về.
 
Phân trâu bò ngập nhà bỏ hoang
Phân trâu bò ngập thềm, nhà bỏ không.

Nhiều khu TĐC trông bề thế nhưng lại thiếu nước sinh hoạt khiến người dân cũng bỏ đi. Muốn có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ một quãng khá xa. Rất nhiều khu TĐC thiếu nước, nhiều nhất là ở xã Trà Đốc vì nơi đây tập trung nhiều khu TĐC nhất trong các xã.

Theo ông Lê Văn Tuấn – Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, trước đây huyện và BQL dự án thủy điện 3 cũng đi khảo sát về phong tục tập quán của người dân để làm nhà TĐC cho họ. Huyện cũng đề xuất hai kiểu nhà nhưng khi làm xong người dân lại thấy không phù hợp với tập tục của mình.

Theo ông Tuấn, lâu nay người dân đồng bào quen sống nhà sàn bằng tranh tre nứa lá hoặc tường gỗ. Đặc điểm ngôi nhà của người dân ở đây là giữa nhà phải làm một cái bếp, tối đến đốt lửa rồi cả gia đình quây quần xung quanh. Đặc biệt là về mùa đông, ở miền núi, trời rét buốt nên trong nhà không lúc nào thiếu bếp lửa.
 
Căn nhà TĐC của Xí đã bị nứt sau động đất
Căn nhà TĐC của ông Xí đã bị nứt sau động đất.

Mặc khác, người dân ở đây sống theo tập tục quần cư. Cứ một điểm hay một quả đồi có đất tốt có thể trồng lúa là có khoảng dăm ba căn nhà được xây dựng, sản xuất có phần dễ dàng hơn. Ngoài ra, nước sinh hoạt được dẫn bằng ống lồ ô từ núi về dùng cho cả làng. Nay nhà TĐC xa nương rẫy nên mỗi lần đi làm, người phải đi bộ một quãng rất xa, nước sinh hoạt lại không có. Việc người dân bỏ nhà TĐC, vì thế, không khó hiểu.

Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, xã không thể can ngăn khi người dân bỏ nhà TĐC vào làm nhà trong rẫy vì điều kiện thiếu thốn như thế. Hơn nữa, động đất lại xảy ra liên miên càng không thể vận động dân ở nhà TĐC khi họ cảm thấy không yên tâm.
 
Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn xuống từng nhà để an dân
Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn xuống từng nhà để giải thích, vận động người dân.

Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My - ông Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay huyện vẫn đang thống kê số nhà dân bị hư hại do động đất, nhất là nhà ở các khu TĐC. Sau khi có báo cáo đầy đủ huyện sẽ làm việc với BQL dự án thủy điện 3 và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để có cách sửa lại nhà cửa cho người dân.

Công Bính