Thủ tướng: Phải đánh giá kỹ hơn về động đất tại sông Tranh 2
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu thủy điện Sông Tranh 2 chưa được tích nước để tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về động đất. Đồng thời với các chuyên gia trong nước phải thuê thêm chuyên gia nước ngoài để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập.
Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt từ ngày 21/7/2011, thủy điện Đồng Nai 6 sẽ đưa vào vận hành năm 2015 và thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016.
Tuy nhiên, do hai dự án này có 1 phần diện tích nằm trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên khiến dư luận lo ngại ảnh hưởng đến vườn quốc gia này. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án trên trước khi phê duyệt đầu tư khiến dự án đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể khởi công.
Trong thông báo kết luận này, Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải “quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện”, dù dự án đã có trong quy hoạch.
Thủ tướng kết luận: “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có công suất phát điện khá lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng phải được tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc, đúng theo các quy định pháp luật, nếu không đạt các yêu cầu nêu trên thì không được quyết định đầu tư xây dựng”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan có chức năng thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư xây dựng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và các yêu cầu mà Chính phủ đề ra, phải chịu trách nhiệm về việc quyết định cho phép của mình.
Sông Tranh 2: chưa được tích nước
Đối với thủy điện Sông Tranh 2, Thủ tướng khẳng định công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện đúng quy định, dự án nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đánh giá của tư vấn độc lập quốc tế, các thông số đầu vào sử dụng tính toán là có cơ sở.
Tuy nhiên, Thủ tướng kết luận: “Trong xây dựng có sơ suất, để xảy ra thấm nước ra mặt hạ lưu đập, gây dư luận không tốt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”.
Về vấn đề hồ thủy điện tích nước gây nên động đất kích thích, Thủ tướng kết luận không gây mất an toàn cho công trình. Thông báo cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia chuyên ngành có trách nhiệm trong nước và công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sỹ cũng báo cáo là đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm an toàn. Các bộ và cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam đều báo cáo là đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn”.
Để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu thủy điện Sông Tranh 2 chưa được tích nước phát điện để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về động đất. Đồng thời với các chuyên gia trong nước phải thuê thêm chuyên gia nước ngoài để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư phải công bố thông tin rõ ràng, hướng dẫn người dân ứng phó với động đất. Đồng thời phải rà soát, bổ sung việc chi trả đền bù hỗ trợ đối với hộ dân có nhà bị hư hỏng do động đất.
Rà soát lại tất cả dự án thủy điện
Về chính sách phát triển thủy điện, Thủ tướng khẳng định ưu tiên phát triển thủy điện không chỉ ở Việt Nam mà tại hầu hết các nước có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại một số dự án thủy điện xuất hiện những khiếm khuyết như tác động tiêu cực đến môi trường, gây động đất kích thích ảnh hưởng đến người dân…
Do đó, Thủ tướng kết luận trong thời gian tới vẫn tiếp tục khai thác thủy điện nhưng cũng phải khắc phục các mặt trái của nó. Cụ thể là phải đảm bảo tốt các yêu cầu như: An toàn hồ đập và tính mạng nhân dân; Di dân đến nơi tái định cư mới phải có điều kiện sống tốt hơn; Đặc biệt chú trọng đến môi trường; Đảm bảo lợi ích tổng hợp của dự án cả về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường…
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong nước. Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau 2 lần rà soát đã loại bỏ 107 dự án nhưng Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy hoạch thủy điện cả nước trong năm 2013.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các dự án thủy điện hiện có; tập trung vào các nội dung như: Hồ đập có an toàn không; Đời sống thực tế của người dân sau tái định cư; Các chủ đầu tư đã trồng lại rừng như quy định hay chưa; Quy trình vận hành hồ chứa của thủy điện…
“Nếu trên một dòng sông mà có nhiều đập thủy điện thì phải có quy trình vận hành liên hồ chứa. Phải đảm bảo được tiêu chí đề ra, nhất là các yêu cầu về góp phần chống lũ, ngăn mặn, điều tiết nước cho sản xuất và đời sống nhân dân…” - Thủ tướng lưu ý.
Tùng Nguyên