1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cần tính đến phương án tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Sông Tranh 2”

(Dân trí) - “Động đất là vấn đề phức tạp, không thể nói một câu mà yên tâm được. Phương án di dân hay tuyên bố tình trạng nguy hiểm, khẩn cấp cũng phải tính đến” - Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Lê Bộ Lĩnh nói về diễn biến mới nhất tại thủy điện Sông Tranh 2.

Sau trận động đất 4,7 độ richter xảy ra ngày 16/11 vừa qua, chiều tối 19/11, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại có rung chấn. Bộ trưởng Xây dựng cũng đã cử tiếp một đoàn công tác đến Bắc Trà My trong ngày hôm qua. Phía UB KH-CN&MT cũng như Quốc hội có hướng chỉ đạo, yêu cầu gì tiếp theo để xử lý vấn đề này thưa ông?

Tôi được biết Ban Dân nguyện của Quốc hội sẽ vào đấy, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con để an dân. Các cơ quan của Quốc hội cũng rất quan tâm, theo dõi sát, cố gắng cùng Chính phủ sớm tìm ra giải pháp.
 
“Cần tính đến di dân, tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Sông Tranh 2”
Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Lê Bộ Lĩnh: "Phương án khả thi nhất cho thủy điện Sông Tranh hiện vẫn chưa có".

Hiện tại đã có hướng giải pháp kỹ thuật mới hơn?

Việc này phải chờ các cơ quan chức năng. Còn cụ thể hiện nay thì chưa có gì mới.

UB KH-CN&MT cũng đề nghị với Bộ Công thương, Bộ KH&CN, chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu, sớm đưa ra phương án. Còn việc dựa trên phương án của các nhà khoa học đưa ra thì hiện tại, mỗi nhà khoa học cũng có những cách tiếp cận khác nhau, phương pháp khác nhau nhưng xác định phương án nào là khả thi nhất thì chưa có.

Động đất vẫn xảy ra thường xuyên, người dân ở trong khu vực Sông Tranh 2 rất khó yên tâm. Thực tế đang đỏi hỏi những giải pháp cấp bách hơn để chấm dứt cảnh chờ đợi phấp phỏng, lo âu của người dân?

Đây là vấn đề rất phức tạp, cả về mặt công nghệ và các khía cạnh khác. Do vậy, không thể nói một câu mà yên tâm được. Cần thời gian nghiên cứu dựa trên những số liệu điều tra.

Các cơ quan quản lý, nhà khoa học đang vào cuộc. Đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm. Nhưng đúng là hiện chưa có giải pháp rõ ràng và thực hiện ngay lập tức.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư phải có cam kết về trách nhiệm, động viên bà con yên tâm. Những thiệt hại về tài sản, nhà cửa sẽ có bồi thường thỏa đáng.

Chính vì việc chưa có người đứng ra cam kết về trách nhiệm nên chưa ai có thể yên tâm. Tại diễn đàn Quốc hội, các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam cũng hối thúc một câu trả lời rõ ràng cho hai phương án lựa chọn để đảm bảo an toàn tuyệt đối là di dân khỏi khu vực ảnh hưởng trực tiếp của thủy điện hoặc tháo nước khỏi hồ chứa để xem còn động đất kích thích không. Tuy nhiên, cái khó chính ở việc đập thủy điện không được thiết kế cửa xả đáy?

Tôi nhắc lại là cần điều tra đánh giá xem mức độ tác động đến từng khu vực cần thiết. Phương án di dân cũng phải tính đến. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể ra sao cần đánh giá khảo sát.

Cũng có ý kiến cho rằng, trước tình trạng phức tạp, diễn biến khó lường, nên chăng có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng về việc ban bố tình trạng đặc biệt, khẩn cấp, xây dựng bản đồ khu vực nguy hiểm đối với những địa bàn nhất định quanh thủy điện. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Điều này cần xem xét lại quy trình. Nếu xác định thực tế ở mức độ nguy hiểm thì cần tính tới giải pháp mày. UB KH-CN&MT cũng đã kiến nghị phải có giải pháp cấp bách khi nhận thấy diễn biến phức tạp hơn, vượt tầm kiểm soát. Các đại biểu Quốc hội cũng đã yêu cầu các bộ, ngành có phương án và cam kết cụ thể về những tình huống có thể xảy ra.UB KH-CN&MT cùng các cơ quan của Quốc hội chắc chắn sẽ tiếp tục giám sát việc này.

Nhiều nước phát triển hơn chúng ta cũng đã từng phải phá bỏ thủy điện khi có những vấn đề có nguy cơ gây mất an toàn. Quan điểm này cũng đã được đề cập, nhấn mạnh khi bàn về Sông Tranh 2. Nhưng dường như vẫn còn áp lực quá lớn về kinh tế, về trách nhiệm, uy tín… để có thể đưa ra quyết định nghiêm túc, dũng cảm như vậy?

Đúng là nếu dự án được xác định không đảm bảo an toàn thì việc phá bỏ là bình thường. Sau sự cố này, các cơ quan chức năng sẽ có kết luận chuẩn xác hơn. Vừa qua, các cơ quan đều xác định động đất trong ngưỡng an toàn. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan liên quan sớm xác định trách nhiệm đối với dự án này.
 

“Có thể không tích nước vĩnh viễn với Sông Tranh 2”

Chiều 20/11, Bộ Xây dựng có văn bản gửi tới Thủ tướng, UB Thường vụ QH, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam… thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sau chuyến làm việc, kiểm tra công trình thủy điện Sông Tranh 2 khi xảy ra trận động đất 4,7 độ richter.

Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, dù đập thủy điện đến nay vẫn an toàn, vấn đề động đất đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt khoa học. Mặt khác, các tác động của động đất đã làm nứt nhiều công trình xây dựng lân cận, đặc biệt là nhà ở của nhân dân, gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân tại khu vực huyện Bắc Trà My.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng quán triệt, xuất phát từ yêu cầu an toàn cho người dân là số một, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo chưa tích nước và tổ chức thực hiện khẩn trương việc đánh giá toàn diện về động đất, đặc biệt là động đất kích thích. Việc quyết định cho tích nước hay không tích nước vĩnh viễn đối với hồ chứa chỉ được thực hiện khi đã có kết quả đánh giá toàn diện về động đất.

Bộ Xây dựng yêu cầu EVN tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị quan trắc công trình theo đề nghị trước đó của tư vấn Thụy Sỹ, đồng thời phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm hoàn thiện công tác lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất, đặc biệt là những thiết bị quan trắc gia tốc nền.

Bộ trưởng Xây dựng đề nghị Bộ KH&CN, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu khẩn trương thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tiến hành đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2; sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng như Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng được giao tiếp tục thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cường nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất; đề xuất để Bộ Xây dựng có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa nhà ở, có thể xây dựng lại nhà ở đối với các hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị EVN tập trung hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương sửa chữa nhà hư hỏng, thực hiện các chương trình hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng như đã cam kết và một số hạng mục công trình phát sinh theo lộ trình phù hợp như đề nghị của địa phương…

Theo khẳng định của TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu: trong những năm tới sẽ còn diễn ra động đất có thể với cường độ mạnh hơn, tuy nhiên sẽ không gây nguy hiểm cho thủy điện Sông Tranh 2. Dù vậy vẫn cần tiến hành các biện pháp di dân để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ông Phương cũng thừa nhận, ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện nhiều đới đứt gãy mới bộc lộ do rung chấn, trong đó có những vết đứt gãy chỉ cách thân đập 2km.Hiện trong 5 trạm quan trắc động đất ở huyện Bắc Trà My đã có 3 trạm đi vào hoạt động và truyền số liệu động đất về Viện Vật lý địa cầu. Máy móc thiết bị của 2 trạm còn lại đang sử dụng cho công tác quan trắc ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2, phục vụ công tác khảo sát của đoàn chuyên gia Nga. (Thanh Trầm)

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm