Dân sốt ruột nhìn cây trồng bị lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6 nhấn chìm
(Dân trí) - Nhiều diện tích hoa màu, đất đai quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6 đang gần bị nước ngập chìm, sạt lở. Nhìn cà phê, hoa màu đang thu hoạch bị nước nhấn chìm, người dân đứng ngồi không yên.
Nhiều tháng nay, người dân sinh sống, sản xuất quanh lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum luôn chịu cảnh hoa màu, đất đai sạt lở. Không những thế, nước sông dâng cao, nhấn chìm hàng loạt cây cà phê đang vào vụ thu hoạch.
Ông Lê Ngọc Dũng (56 tuổi, trú tại thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) có hơn 3ha vườn cây cà phê nằm dọc lòng hồ thủy điện Đăk Psi, xã Đăk Long. Nhiều tháng nay, hàng chục cây cà phê, cũng như đất của gia đình ông bị nước cuốn trôi do sạt lở.
Theo ông Dũng, vào tháng 6, thủy điện Đăk Psi 6 bắt đầu vận hành nhà máy, tích thử nước. Lúc này, nước trong lòng hồ liên tục dâng cao khiến nhiều hoa màu của gia đình bị ngập. Khi nước rút, nhiều diện tích đất tiếp giáp sông bị sạt, trôi theo nước.
Nhiều cây cà phê của gia đình đang vào vụ thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi. Những cây cà phê ở trên cao thì bị nước dâng ngập quá nửa thân suốt nhiều giờ đồng hồ.
"Khi người dân phản ánh, thủy điện và chính quyền địa phương đã cử người xuống ghi nhận việc sạt lở đất đai, hoa màu. Đến nay, nước sông vẫn hay dâng cao gây ngập hoa màu, sạt lở bờ sông. Chúng tôi mong muốn chính quyền, thủy điện sớm có phương án bồi thường thỏa đáng và có biện pháp khắc phục việc sạt lở để người dân yên tâm canh tác", ông Dũng nói.
Bản thân gia đình ông A Luy, trưởng thôn Pa Cheng, xã Đăk Long cũng bị nước trong lòng hồ nhiều lần dâng cao gây ngập úng vườn sắn và nhiều loại cây trồng. Ông A Luy lo lắng nước dâng cao liên tục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, thậm chí là cây trồng bị chết úng.
"Chúng tôi canh tác, làm ăn sinh sống ở đây hàng chục năm nay. Gần đây, hoa màu của nhiều người dân trong thôn bị nước dâng ngập, đất đai sạt lở quanh lòng hồ thủy điện. Mong muốn thủy điện, chính quyền cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên để bà con yên tâm sản xuất", ông A Luy nói.
Theo ông A Luy, dọc lòng hồ thủy điện xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, có đoạn sạt lở hơn 100m, tạo thành những bờ vực cao nguy hiểm. Tình hình sạt lở nghiêm trọng như vậy, bà con rất lo lắng nước sông xâm lấn vào đất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Quân, đại diện Công ty cổ phần Đăk Psi 6 thừa nhận có việc sạt lở và hoa màu bị dâng ngập quanh khu vực lòng hồ thủy điện. Trước đó, công ty đã tích nước để thử nghiệm vận hành nhà máy. Giữa tháng 10, công ty mới chính thức vào tích nước để vận hành.
Theo ông Quân, sau khi xem xét kiến nghị của các hộ dân, công ty đã cùng chính quyền xã tổ chức kiểm tra. Dự kiến cuối tháng 11, thủy điện sẽ tiến hành tích nước chính thức. Lúc này, thủy điện mới rà soát, đánh giá kỹ lại toàn bộ hiện trạng sạt lở để có phương án đền bù, hỗ trợ.
"Thủy điện mới thực hiện tích nước. Tránh việc đền bù, hỗ trợ riêng rẽ, thủy điện sẽ xác định cao trình của mực nước có thể ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu rồi mới lên phương án hỗ trợ tổng thể. Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết trước tháng 12 này", ông Quân nói.
Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: "Nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã xuống hiện trường để ghi nhận thiệt hại ban đầu. Xã cũng mời đại diện thủy điện và các hộ dân có diện tích đất đai bị ảnh hưởng lên làm việc. Tuy nhiên, phương án và các chính sách đền bù, hỗ trợ từ phía thủy điện đến nay vẫn chưa có".