Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ

(Dân trí) - Đầu tháng 3, hàng chục con sếu đầu đỏ quý hiếm bay về trú ngụ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới sếu sẽ về nhiều hơn…

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), từ đầu tháng 3, hàng chục con sếu đỏ đã bay về trú ngụ tại đồng cỏ bàng Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành).

Tính đến thời điểm hiện tại, trên đồng cỏ bàng đã có trên 50 con sếu đầu đỏ. Thời gian tới đàn sếu sẽ tăng lên vì thời gian này chỉ mới bắt đầu đến mùa sếu về đồng cỏ bàng Phú Mỹ. Hàng năm, đến khoảng tháng 6, sếu sẽ di chuyển đến nơi khác.

Được biết, đồng cỏ bàng Phú Mỹ có 6 kiểu thảm thực vật đặc trưng gồm: Bàng – mồm mốc, bàng – năng, năng nỉ, năng ngọt, tràm và ruộng lúa; động vật đáy; nhện; 65 loài côn trùng thủy sinh thuộc 47 giống, 28 họ.

Nơi đây có rất nhiều loại cá sinh sống, với khoảng 444 mẫu cá, trong đó cá chép chiếm ưu thế với gần 35%. Ngoài ra, đồng cỏ bàng Phú Mỹ còn có nhóm lưỡng cư, bò sát, 132 loài chim thuộc 42 họ được ghi nhận, trong đó có 9 loài có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, trong đó có sếu đầu đỏ.

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 1

Đều sếu đầu đỏ trên đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Trung Hưng)

Còn theo ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim (xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), qua quan sát, kiểm đếm từ ngày 11/3 đến nay, đàn sếu đầu đỏ có 4 con bay về khu A4, Vườn quốc gia Tràm Chim trú ngụ. Được biết, có 4 cá thể trong một gia đình sếu, trong đó, có 1 con non khoảng trên 6 tháng tuổi.

Cũng theo ông Nhanh, đây là đàn sếu đầu tiên của năm 2019 bay về Vườn quốc gia Tràm Chim để tìm kiếm thức ăn, trú ngụ. Bên cạnh đó, còn có trên 250 cá thể Giang Sen cũng bay về khu vực này để kiếm ăn, sinh sống.

Theo Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng như Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, đàn sếu về trú ngụ là tín hiệu đáng mừng, bởi môi trường sinh thái ở khu Ramsar Tràm Chim, đồng cỏ bàng Phú Mỹ đảm bảo trong lành, có nhiều nguồn thức ăn tự nhiên tốt nên sếu đầu đỏ đến sinh sống.

Những hình ảnh đàn sếu đang sinh sống nhảy múa trên đồng cỏ bàng Phú Mỹ, Vườn Quốc gia Tràm Chim:

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 2

Gia đình sếu 4 con ở Vườn quốc gia Tràm Chim (ảnh Trọng Trung)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 3

Trong gia đình sếu 4 con này, con nhỏ nhất được 6  tháng tuổi (ảnh Trọng Trung)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 4

Hiện có 250 con Giáng Sen cũng đang trú ngụ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (ảnh Trọng Trung)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 5

Đàn sếu hơn 50 con  đang trú ngụ tại đồng cỏ bàng Phú Mỹ (ảnh Trung Hưng)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 6

(Ảnh: Trung Hưng)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 7

Từ đầu tháng 3, đàn sếu này bắt đầu bay về đồng cỏ bàng và trú ngụ đến nay (ảnh Trung Hưng)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 8

Theo dự báo ngành chức năng, thời gian tới, sếu đầu đỏ về đồng cỏ bàng nhiều hơn (ảnh Trung Hưng)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 9

Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết trong năm 2018 đàn sếu đầu đỏ về trú ngụ tại đây trên 200 con (ảnh Trung Hưng)

Đàn sếu đầu đỏ quý hiếm kéo về miền Tây trú ngụ - 10

Hàng năm, đầu tháng 3 sếu bay về đồng cỏ bàng sinh sống đến khoảng tháng 6 thì đàn sếu bay đến nơi khác (ảnh Trung Hưng)

Trung Hưng  - Trọng Trung