1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nam:

Dân khóc ròng vì cá quây, cá lồng chết trắng sông Châu

Đức Văn

(Dân trí) - Chỉ trong một đêm, cả dòng sông Châu bốc mùi hôi thối, nước đen kịt, khiến hàng chục lồng cá nuôi của các hộ dân xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, chết trắng mặt sông, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Mấy ngày nay, nước dòng sông Châu đoạn chảy qua địa phận xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, cá thì chết nổi lềnh bềnh, trắng cả mặt sông.

Dân khóc ròng vì cá quây, cá lồng chết trắng sông Châu - 1

Nước dòng sông Châu đoạn chảy qua địa phận xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, cá thì chết nổi lềnh bềnh trắng khắp mặt sông.

Theo phản ánh của một số hộ dân tại địa bàn,  từ ngày 9/9, nước Sông Châu, đoạn chạy qua thuộc địa phận các xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, nhất là đoạn chạy qua cầu Câu Tử bắt đầu xảy ra tình trạng ô nhiễm và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Nước sông ô nhiễm khiến cuộc sống người dân xáo trộn. Đặc biệt, nước sông Châu ô nhiễm khiến hàng chục lồng cá của người dân xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, chết trắng mặt sông, gây thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Cứ, ở xã Tiên Sơn, Thị xã Duy Tiên cho biết, nước sông thượng nguồn bị ô nhiễm, khiến hàng chục lồng cá nuôi trên sông của xã Tiên Sơn đều chết sạch, xác cá nổi trắng mặt sông. Lồng nhiều thì 5 tấn, lồng nhỏ thì 3 tấn... tất cả cá chưa kịp thu hoạch đã chết cả.

Dân khóc ròng vì cá quây, cá lồng chết trắng sông Châu - 2

Ông Nguyễn Văn Luận  vớt cá chết lên để chôn xuống đất cho khỏi ô nhiễm

Cũng theo người dân của khu vực này, một số hộ dân xã Tiên Sơn, tận dụng nước dòng sông Châu chảy qua địa bàn, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để khoanh vùng, vây lưới nuôi cá, với mong muốn cải thiện thu nhập. Thế nhưng, khi cá đến sắp mùa thu hoạch thì lại chết trắng, khiến các hộ dân lao đao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn đã đầu tư 100 triệu đồng để vây lưới mua con giống và thức ăn đầu tư nuôi cá trên sông Châu. Nhưng bao nhiêu tiền của và công lao mồ hôi cùng nước mắt cả năm bỗng tan biến theo dòng nước.

Đợt ô nhiễm này gia đình ông đã thiệt hại khoảng 7 tấn cá. Cực chẳng đã, ông đành phải vớt cá chết lên cho người dân địa phương dùng để bón cây ăn quả, không gây ô nhiễm môi trường ở sông này.

Dân khóc ròng vì cá quây, cá lồng chết trắng sông Châu - 3

Các lồng cá nuôi trên sông của nông dân chết cả, nhiều hộ mất hết cả vốn liếng

Một hộ dân khác là gia đình anh Phúc, nuôi cá trên tổng cộng diện tích mặt nước dọc quãng sông này là 21.000m2. Chỉ tính riêng tiền cá giống cho mỗi đăng cá một năm cũng mất tầm 60-70 triệu đồng. Mỗi đăng anh Phúc nuôi một loại cá. Theo đó, gia đình anh có khoảng gần chục tấn cá trắm. Lần này, cá trắm chết nhiều, tính ra cũng gần 4 tấn, loại cá nuôi cho tết, giờ được tầm 2,5 đến 3kg/con. Tính ra tiền cũng mất gần 150 triệu đồng - anh Phúc xót xa bày tỏ.

Còn bà Trần Thị Sáng - một người dân ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên bức xúc: “Nguồn nước thối trên thượng lưu chảy về, khiến các lồng cá nuôi trên sông của nông dân chết cả, nhiều hộ mất hết vốn liếng. Người dân chúng tôi không biết kêu ai (?!)”.

Dân khóc ròng vì cá quây, cá lồng chết trắng sông Châu - 4

Nhiều hộ dân thiệt hại nặng nề do cá chết

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc vừa công bố vào ngày 20/8/2020, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng nước mặt, kém nhất so với các lưu vực sông khu vực phía Bắc.

Hiện trên lưu vực sông này có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Trên sông Châu Giang, chất lượng nước bị suy giảm mạnh tại điểm Đầm Tái (WQI: 18), nước sông bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai (tại thời điểm quan trắc ghi nhận đoạn sông xuất hiện hiện tượng cá chết). Giá trị N-NH4+ (13,6 mg/L), cao gấp 15 lần QCVN 08-MT:2015, loại B1.

Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn tục bị ô nhiễm nặng (WQI: 12-28), và không có dấu hiệu được cải thiện so với đợt quan trắc tháng 5/2019.

Còn theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, nước sông Châu có độ kiềm yếu, bị nhiễm Amoniac nặng. Tại cầu Câu Tử, trung tâm đã lấy mẫu nước bề mặt kiểm tra, nồng độ NH4+ cao gấp hơn 18  lần cho phép. …