Kon Tum
Dân điêu đứng vì hàng chục tấn cá chết trắng sau những trận mưa lớn
(Dân trí) - Mưa kéo dài đã khiến 21 lồng cá của người dân tại đập Cà Sâm (xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) bị ảnh hưởng. Ước tính hơn 26 tấn cá chết trắng, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của bão Noul, trong hai ngày 18 – 19/9, trên địa bàn huyện Đăk Hà xảy ra mưa lớn. Sau mưa, tại đập Cà Sâm (xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã thấy hiện tượng cá trong cá lồng nuôi chết hàng loạt. Sau 2 ngày mưa, toàn bộ 21 lồng cá đều bị chết trắng.
Anh Hoàng Kim Nam (46 tuổi, xã Đăk La) cho biết, anh cùng 4 hộ dân khác rủ nhau lên đập thủy lợi Cà Sâm nuôi cá lồng đã 3 năm nay. Đầu năm 2020 cả 4 gia đình tiến hành thả cá giống. Dự tính đàn cá sẽ được thu hoạch trong cuối tháng 9 này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên hơn 21 lồng cá bị xóa sổ khiến cả 4 gia đình mất trắng cả tỷ đồng.
“Hôm xảy ra mưa lớn, chúng tôi đã chủ động xục khí oxy để cứu cá nhưng không thành. Nhìn 26 tấn cá chết trắng trên hồ mà xót. Theo giá thị trường là 40.000 đồng/kg thì 26 tấn cá này, 4 gia đình lỗ hơn 1 tỷ.
Tính ra chỉ sau 2 ngày mỗi nhà mất hơn 250 triệu. Không những vậy, để không ảnh hưởng đến môi trường cả 4 hộ gia đình phải bỏ tiền thuê người vớt 26 tấn cá, đào hố chôn số cá đã chết.”, anh Nam cho biết thêm.
Tương tự, anh Phạm Văn Luống cho hay, vừa qua, mưa lớn kéo dài khiến lượng nước đổ về đập Cà Sâm lớn. Do mực nước dâng cao, hàm lượng oxy trong nước hạ thấp, gây mất cân bằng sinh thái khiến cá trong lồng không kịp thích nghi nên chết hàng loạt.
“Chúng tôi bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư, làm lụng cả năm trời chỉ mong kiếm chút lợi nhuận. Có ai ngờ chỉ sau 2 trận mưa cá chết trắng thế này, cả 1 tỷ bạc trôi xuống sông, xuống biển. Mọi người giờ chỉ biết gắng gượng, cố gắng gỡ gạc trong vụ sau.” - anh Luống tâm sự.
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết, vừa qua trên địa bàn xảy ra mưa lớn khiến hàng chục tấn cá được nuôi trong lồng của người dân ở đập Cà Sâm bị chết.
Theo ông Thịnh, qua khảo sát thì nguyên nhân khiến cá chết là do thiếu oxy hòa tan trong nước. Cụ thể, do nước mưa cuốn trôi bùn đất xuống hồ làm cho nước bị ô nhiễm và mật độ cá nuôi lớn nhưng công suất máy bơm sục khí không đủ cung cấp oxy.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn đến hỗ trợ, giúp người dân trục vớt, xử lý số cá chết, tránh gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xử lý nguồn nước để đảm bảo lượng oxy trong hồ, tránh tình trạng cá tiếp tục chết.