Đắk Nông sắp có công trình tượng đài bằng đá gần 50 tỷ đồng
(Dân trí) - Sau nhiều lần công trình chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo, trong tháng 10/2020 phải hoàn thành giai đoạn 1, dựng xong tượng đài bằng đá trị giá gần 50 tỷ đồng.
Chiều ngày 28/7, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã cùng một số đơn vị liên quan tới kiểm tra công trình Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 (giai đoạn 1), tại phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Công trình Tượng đài N’Trang Lơng có tổng mức đầu tư 167 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 67 tỷ đồng; trong đó riêng phần tượng và phù điêu 47 tỷ đồng.
Tượng N’Trang Lơng và phù điêu được chế tác bằng đá xanh ở tỉnh Thanh Hóa, phần tượng cao 13m, phù điêu 5,5m, chiều dài đế của cụm tượng đài là 27m.
Ngày 21/7, Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội đã tập kết xong 443,5m2 cả phần tượng và phù điêu tại chân công trình và đang đợi chủ đầu tư bàn giao phần móng để tiến hành dựng tượng, dự kiến sẽ hoàn thành trong 60 ngày.
Tại buổi kiểm tra, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu chủ đầu tư công trình đẩy nhanh tiến độ thi công, kể cả vào ban đêm, đến ngày 3/8/2020 phải hoàn thành phần móng có tổng diện tích là 150m2, để bàn giao cho Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội triển khai dựng tượng.
Trước đó Dân trí đã đưa tin, ngày 19/5/2015, tại khu vực đồi Đắk Nur (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa) UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức khởi công xây dựng tượng đài anh hùng N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1912 – 1936. Kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Để xây dựng, nhiều đơn vị thụ hưởng ngân sách phải trích kinh phí chi thường xuyên để đóng góp xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, từ năm 2018, tỉnh Đắk Nông ngừng quy định trích 1% kinh phí chi thường xuyên để ủng hộ quỹ xây dựng tượng đài.
Trong quá trình triển khai, công trình này cũng dính nhiều “lùm xùm” vì “sai thiết kế”. Nguồn vốn huy động từ các nguồn xã hội hóa cũng khó khăn và khá chậm so với kế hoạch ban đầu.
Hiện tỉnh Đắk Nông vẫn là một trong những địa phương khó khăn, với 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống.