“Cán bộ bớt vô cảm, các vụ khiếu kiện sẽ không kéo dài lâu đến vậy”
(Dân trí) - Dẫn chứng từ việc giải quyết vụ khiếu kiện của một cụ ông 80 theo đuổi 14 năm mà địa phương vẫn không xử lý dứt điểm với đủ lý do lần lữa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, nếu cán bộ thực sự có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm thì việc không tồn tại lâu đến vậy…
Người dân thất vọng với buổi tiếp xúc lãnh đạo tỉnh chỉ… 9 phút
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể ngày 14/11 của Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, đại biểu Tô Văn Tám, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo gia tăng là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Ở một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, nhất là cấp huyện, xã. Những nơi này chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa xem xét giải quyết vấn đề từ gốc và có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm về vấn đề này.
“Nếu xem xét giải quyết kịp thời, đúng chính sách, có tình, có lý ngay từ đầu thì người dân đồng tình. Ngược lại sẽ dẫn đến phức tạp và khiếu nại, tố cáo vượt cấp” – đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Phân tích trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, nhiều chính sách có phần “đụng chạm” như thu hồi đất, tác động đến lợi ích và sinh kế của người dân, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ làm phát sinh nhiều khiếu kiện, ông Tô Văn Tám cho rằng, việc Chính phủ nhận định khiếu nại, tố cáo thời gian tới vẫn còn phức tạp là dự báo đúng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phản ánh tình trạng tiếp dân còn hình thức, chưa thực chất. Ông dẫn chứng, có địa phương, lãnh đạo tỉnh dành 9 phút để tiếp công dân khiến người dân vô cùng thất vọng.
Cụ ông 80 “cố thủ” cùng can xăng, chống thi hành án
Nhận định tiếp công dân là hoạt động rất có ý nghĩa, là khâu quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng làm tốt công tác này là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực giải quyết các bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, dù quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ.
“Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng” - đại biểu Phương đặt vấn đề, luật ban hành sao phải kịp thời khắc phục lỗ hổng của vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp nêu kể lại một vụ việc ông tham gia giám sát năm 2015. Vụ án đã được toà các cấp xử đi xử lại tới 4 lần, bản án có hiệu lực đã 14 năm nhưng không thể thi hành. Lý do, người phải thi hành án là một cụ ông, năm đó đã 80 tuổi, lúc nào cũng tự thủ mấy can xăng ở trong nhà nói sẽ đốt nếu bị cưỡng chế thi hành án.
Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương thì không quyết tâm cùng người dân giải quyết sự việc đến cùng. Khi đoàn giám sát trao đổi để tháo gỡ từng vấn đề rồi yêu cầu sớm giải quyết thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh đó lại “xin hoãn” vì địa phương đang tổ chức Đại hội Đảng, làm xong sẽ thi hành. Vậy mà cuối cùng, Đại hội Đảng địa phương xong, Đại hội Đảng toàn quốc cũng qua, vị Phó Chủ tịch đó lên vị trí rất cao ở tỉnh rồi nhưng bản án vẫn không thi hành. Đến cuối năm 2016, khi tôi Pha chuyển công tác khác, tình hình vẫn vậy.
“Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế” – ông Kha đúc rút, cần làm đậm nét về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giải quyết khiếu nại ở địa phương.
P.Thảo