Đại biểu Quốc hội “truy” việc hoãn tăng lương
(Dân trí) - Thông tin “sát sườn” với mỗi người dân về việc vẫn chưa có tiền để “nối lại” lộ trình tăng lương đã đứt quãng 3 năm qua trở thành chủ đề “nóng” được khơi mào tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 22/10. Đại biểu yêu cầu cắt chi tiếp khách, đi nước ngoài… để dành tiền tăng lương.
Tỏ rõ sự sốt ruột, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) than thở là sau kỳ họp này không biết trả lời cử tri thế nào, vì năm trước không tăng, cử tri chất vấn thì đã nói 2016 sẽ tăng. Giờ lại nói ngân sách chưa cân đối được, vẫn là lý do của 2015.
Ông Minh đề nghị, nếu không được đúng như lộ trình thì cũng phải cố gắng nâng mức nào đó để đảm bảo cuộc sống người làm công ăn lương.
Vị đại biểu này cũng đặt bài toán lương không tăng trong khi nhiều loại hàng hóa được điều hành theo cơ chế thị trường, nhiều khoản phí khác sẽ được chuyển sang cơ chế giá, và rõ ràng tất cả vấn đề đó đều liên quan đến lương.
“Tôi chưa đồng tình là do khó khăn mà chưa tăng lương, cần thiết giảm chi khác để đảm bảo chi lương theo lộ trình” - ông Minh thể hiện rõ quan điểm.
Cũng đề cập chuyện tăng lương trong bối cảnh bao nhiêu nguồn thu chỉ để chi thường xuyên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch đề nghị đại biểu Minh đề xuất cụ thể cắt chi chỗ nào để dành nguồn tăng lương chứ không thể đi vay làm việc này được. Ông Lịch gợi ý hướng cắt tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài…
“Cắt hết đi, đừng biến đi nước ngoài du lịch thành nghiên cứu, học tập để nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương” - ông Lịch đề nghị.
Cũng như một số vị khác, đại biểu Lịch cũng lo vài năm tới, khi các bộ luật về tổ chức bộ máy có hiệu lực thì bộ máy còn phình nữa, trong khi tinh giản biên chế “vô cùng khó”. Bài toán cho việc cải cách tiền lương, theo đó, sẽ ngày càng khó.
Với quyền hạn của đại biểu Quốc hội, ông Lịch cho rằng, không nên kiến nghị mà chính Quốc hội chứ không ai khác phải bàn là cắt các khoản chi có địa chỉ rõ ràng.
Ông Lịch quả quyết: “Chừng nào không dự toán, không có tiền tiếp khách thì lúc đó mới kỷ cương được, suốt ngày đủ mọi lễ kỷ niệm mà dùng tiền ngân sách hết thì tiền đâu mà tăng lương?”.
Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Huy Hùng cũng chỉ rõ yêu cầu cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính.
“Ta vẫn đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương mới thấp như vậy. Mà người lao động làm với mức lương quá thấp gây hệ lụy với nhiều vấn đề về năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế phải sử dụng nhiều người nhưng kết quả lao động vẫn không tốt. Cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng” – ông Hùng nói thẳng.
Cùng hướng phân tích này, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại biểu tỉnh Thanh Hoá) bình luận, chi phí tiền lương ở Việt Nam trong giá thành sản phẩm vẫn cao nhất khu vực (18,7% so với mức 16% của Thái Lan) trong khi tiền lương rõ ràng là thấp. Điều đó chứng tỏ năng suất lao động rất thấp.
Ông Lợi cũng nhìn nhận, lương cơ sở hiện không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân viên chức, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nguồn nên vẫn phải dùng từ… “nhịn”. Tăng lương cơ sở lúc này kéo theo nhiều hệ luỵ lớn, giống như việc nếu tiền lương tối thiểu phải nâng lên 16% như đề xuất trước đó của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, doanh nghiệp sẽ chết.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, nếu chưa thể cân đối để nâng lương cơ sở được thì cũng cần xem xét điều chỉnh lại việc nâng lương nghỉ hưu. Năm ngoái, khi bàn chuyện này, đáng ra, nhà nước chỉ tập trung tăng lương để hỗ trợ cuộc sống của nhóm đối tượng người hệ số lương dưới 2,34 nhưng Chính phủ lại tăng đồng loạt 8% cho tất cả những người hưởng lương hưu.
Chính sách khi đó, theo ông Lợi, lại dẫn đến sự cào bằng chứ không phải công bằng. Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội dẫn chứng bằng trường hợp một cựu lãnh đạo một DN liên doanh đã hưởng lương hưu tới 65 triệu đồng mỗi tháng, sau quyết định này lại tiếp tục được tăng lương thêm 5 triệu đồng/tháng, không cần thiết và không đúng với ý nghĩa của lương hưu.
P.Thảo