1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nhịn” tăng lương sẽ có lợi hơn cho người làm công ăn lương

(Dân trí) - Tăng lương cơ sở khi ngân sách không cân đối được, nhà nước lại phải tăng nợ công lên, phải vay thêm để trả lương, lại gây áp lực tăng giá. Giữ mức lương hiện tại cùng với các biện pháp để kiềm chế tăng giá tiêu dùng sẽ có lợi hơn cho người làm công ăn lương…

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Bùi Sĩ Lợi tỏ ý chia sẻ với đề xuất tiếp tục không tăng lương vào năm tới của Chính phủ…

Báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do ngân sách khó khăn, chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở vào năm tới. Theo ông Dũng, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 phải tiếp tục bù để điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công; tiền lương đối với những đối tượng công chức, viên chức có thu nhập thấp và bố trí thêm 1.500 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hiện dưới 2 triệu đồng.

Tại cuộc họp của UB Thường vụ Quốc hội ít ngày trước, khi người đại diện Chính phủ không đề cập kế hoạch điều chỉnh lương cơ sở trong năm tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hỏi lại, yêu cầu cân nhắc và giải trình cụ thể vì việc kéo lùi lộ trình tăng lương đã quá lâu. Nếu năm 2016 tiếp tục “ghìm giữ” thì đây sẽ là năm thứ 4 liên tục lương tối thiểu được duy trì ở mức 1.150.000 đồng/tháng.


Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, áp lực phải tăng lương chưa quá gay gắt.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, áp lực phải tăng lương chưa quá gay gắt.

Với khẳng định của Bộ trưởng Tài chính, bên hành lang Quốc hội ngày 21/10, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi – một thành viên của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương Quốc gia giải thích, tiếp tục giữ tiền lương cơ sở như hiện nay cùng với việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá sẽ có lợi hơn cho người làm công ăn lương, thay vì cố xoay tăng lương bằng mọi cách.

Ông Lợi nêu quan điểm cá nhân mà ông đã từng đề cập nhiều lần là lương cơ sở cần điều chỉnh cho đúng với thực tế vì đây chính là nguồn đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động.

Nhấn mạnh, không thể so sánh lương cơ sở với lương tối thiểu của khối doanh nghiệp (vì bản chất lương tối thiểu chính là mức sống tối thiểu của người lao động còn lương cơ sở đối với khu vực nhà nước là mức để tính lương theo hệ số cụ thể) nhưng Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng xác nhận, nếu lấy mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng nhân với hệ số áp dụng với cử nhân đại học là 2,34 cũng chỉ được gần 2,7 triệu đồng – tương đương với mức lương tối thiểu ở vùng 1 của khu vực sản xuất kinh doanh (3,1 triệu đồng). Với mức lương này, rõ ràng cuộc sống của cán bộ công chức rất khó khăn.

Trong khi đó, lương tối thiểu vẫn được tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình. Với mức tăng 12,4% đã được quyết cho năm 2016, lương tối thiểu sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Và theo kế hoạch, qua 2 lần điều chỉnh tới, đến năm 2018, lương tối thiểu sẽ đạt được đúng mục tiêu đặt ra là đảm bảo mức sống thực tế của người lao động.

Còn lương cơ sở của khu vực công cũng đang thấp dưới mức thực tế mà lộ trình cải cách liên tục bị đẩy lùi. Vậy nên, Phó Chủ nhiệm Bùi Lợi phân tích, nếu có điều kiện để nâng được tiền lương cơ sở cho khu vực công chức thì cần ưu tiên trước hết cho việc này vì đây chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng chia sẻ về lý do chưa thể tăng lương, trước hết, vì ngân sách chưa đáp ứng được mà tiền lương khu vực này là hoàn toàn do ngân sách chi trả, không giống như chuyện thực hiện lương thỏa thuận như với khu vực doanh nghiệp.

“Ngân sách không có trong khi nỗ lực thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ máy đã làm liên tục nhưng cho đến nay bộ máy nhà nước vẫn chưa cải cách, tinh giản được bao nhiêu. Và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề. Người ta vẫn nói, một bộ phận cán bộ viên chức khả năng làm việc kém, chất lượng công việc không tốt… Vậy thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương được?” – ông Lợi phân tích.

Ngoài ra, điều kiện thứ hai, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội chỉ rõ, những năm qua, thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã kìm chế được lạm phát. Chỉ số tăng giá tiêu dùng năm nay chỉ khoảng 2%.

Ông Lợi khái quát: “Điều chỉnh lương cơ sở bây giờ trong khi ngân sách không cân đối được thì một là nhà nước phải tăng nợ công lên, hai là phải vay thêm để cải cách tiền lương. Mà việc sử dụng đồng tiền không hợp lý, để lượng tiền trong lưu thông lớn thì giá cả lại tăng lên. Như thế thì tăng lương để giải quyết vấn đề gì?”.

Trong bối cảnh hiện tại, theo ông Lợi, giữ mức lương cơ sở cùng với các biện pháp để kiềm chế tăng giá tiêu dùng sẽ có lợi hơn cho người làm công ăn lương vì giá không tăng thì đời sống cũng đỡ khó khăn.

“Nhưng thực sự là nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng lên chút nữa mà không cải cách tiền lương thì đời sống của cán bộ công nhân viên chức rất khó giải quyết” – ông Lợi xác nhận.

Theo đó, ông Lợi trở lại với quan điểm, Chính phủ phải tính đến một biện pháp toàn diện là cải cách toàn bộ hệ thống lương khu vực công, thang bảng lương để đảm bảo nguyên tắc phần lương chính chiếm 70% trở lên của toàn bộ thu nhập, phần phụ phải được cắt giảm xuống dưới 30%. Thực tế hiện nay là trong cơ cấu thu nhập của cán bộ công chức viên chức, “phần cứng thậm chí thấp hơn cả phần mềm”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng quán triệt, về lâu dài, dứt khoát phải thực hiện việc nâng lương cơ sở theo đúng lộ trình. Khi năng suất lao động tăng lên thì tiền lương nhất thiết phải tăng theo để tiền lương đúng với ý nghĩa của nó – là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.

P.Thảo