Đại biểu Quốc hội đề nghị "có thể đi vay để tăng lương cho cán bộ"
(Dân trí) - Đề nghị quan tâm cơ chế tăng lương cho cán bộ, công chức với lập luận "tăng lương là đầu tư", đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng có thể đi vay để trả lương cho cán bộ.
Thảo luận trên hội trường Quốc hội chiều 1/6 về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhận định đang có sự lãng phí về nguồn nhân lực.
"Các kỳ họp đều nêu chỉ tiêu năng suất lao động không đạt được và thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên cần xem lại nguyên nhân từ đâu, do người lao động không chịu làm việc hay do quản lý?", ông Thân đặt vấn đề.
Đầu tư hạ tầng hàng triệu tỷ đồng, sao không đầu tư vào con người?
Chỉ ra số lao động trong khu vực Nhà nước là cán bộ, công chức, viên chức chiếm khoảng 20%, ông đề nghị quan tâm cơ chế tăng lương cho đội ngũ này với lập luận "tăng lương chính là đầu tư".
"Chúng ta đầu tư hạ tầng hàng triệu tỷ đồng, sao không đầu tư vào con người nhiều hơn nữa để tránh câu chuyện trả lương thế nào thì làm việc như vậy?", ông Thân đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét vấn đề tăng lương, nguồn ngân sách thậm chí có thể đi vay để trả lương cho cán bộ công nhân viên chức.
Ông lo ngại nếu không dùng để tăng lương, nguồn lực này sẽ đi chỗ khác chứ không nằm trong lực lượng cán bộ công chức.
Giải trình trước Quốc hội trước đó, Thống đốc NHNN Việt Nam lý giải ngân hàng không thể cho vay nếu không có thế chấp. Tuy nhiên, theo ông Thân, hiện có nhiều quỹ như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ khoa học... nhưng không phát huy tác dụng. Đó cũng là lãng phí.
Vị đại biểu này cũng băn khoăn khi Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng và hiện đang gửi ngân hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp đang rất thiếu tiền, đầu tư công cũng cần vốn nhưng để tồn dư ngân sách rất lớn.
Ông Thân đề nghị làm rõ có thể tiêu số tiền này hay không, nếu không thể cũng nên biến thành có thể và ý chí là phải dùng nguồn này.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cũng phán ánh lãng phí nguồn lực trong đầu tư công khi tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu.
"Cử tri đặt câu hỏi, khoảng 1 triệu tỷ đồng bị "nhốt" ở ngân hàng và 430.000 tỷ đồng chưa phân bổ vốn, đang bị 'nhốt' trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa trình phân bổ thì gây lãng phí là bao nhiêu?", ông Khải nêu vấn đề.
Hàng nghìn thủ tục phát sinh đẩy doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Khải đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được như mong muốn.
Ông dẫn báo cáo nghiên cứu kết quả khảo sát của VCCI cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu mới đây cho rằng thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương "đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới".
"Riêng TPHCM năm 2022 đã hỏi Bộ KH&ĐT 584 văn bản, vậy có bao nhiêu văn bản Bộ này phải trả lời cho 63 tỉnh, thành?", ông Khải đặt câu hỏi và cho rằng điều này tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Dẫn số liệu năm 2022, đại biểu cho biết thấy số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 143.000 doanh nghiệp và quý I/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đóng cửa vượt số doanh nghiệp đăng ký mới. "Phải chăng hàng nghìn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế", theo ông Khải, những điều này sẽ làm lãng phí niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp.
"Lãng phí vô hình này lớn hơn mọi lãng phí khác có thể cân đong đo đếm được", ông Khải nói.
Ở góc độ khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích về sự lãng phí trong công tác ban hành chính sách khi nhiều dự án không kịp tiến độ, có dự án không đảm bảo chất lượng, một số bất cập chậm sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, không ít văn bản quy phạm pháp luật có "tuổi thọ" khá ngắn, phải sửa đổi sau vài năm ban hành.
Theo bà Hoa, thực tế này gây lãng phí tiền của, công sức, lãng phí cơ hội phát triển, có trường hợp tính được bằng tiền và trường hợp không tính được bằng tiền nhưng làm chậm lại sự phát triển kinh tế, xã hội.