"Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu"

Hoài Thu

(Dân trí) - Đồng ý với quan điểm cho rằng "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu", song đại biểu Vũ Trọng Kim nhìn nhận nguyên nhân nhạy cảm nhất của thực trạng này chưa được chỉ ra.

Dù cuối giờ chiều 31/5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình về thực trạng cán bộ sợ sai, song nội dung này vẫn chưa hết nóng và tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6.

Những tấm biển tranh luận lần lượt được giơ lên trong hội trường Diên Hồng, với mong muốn tiếp tục thể hiện quan điểm đến cùng về vấn đề nhức nhối này.

"Tôi xin tranh luận với các ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám hôm qua. Đây là những người bạn của tôi, nhưng tôi cũng muốn làm tới bờ tới bến về chuyện cán bộ sợ sai nên bỏ bê công việc", đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) nói.

Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu - 1

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Nam Định (Ảnh: Phạm Thắng).

Khẳng định đây là vấn đề có thật, nhưng theo ông Kim, nguyên nhân nhạy cảm nhất của thực trạng này chưa được nói rõ.

Đồng tình với quan điểm "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu", ông Kim cho rằng không chỉ sợ sai mà cán bộ còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác.

Theo vị đại biểu, tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu rất rõ về vấn đề này, thậm chí "nói rõ hơn cả ý kiến đại biểu", trong đó phân tích cả nguyên nhân. Trong phát biểu đã nêu một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm.

Đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Như vậy mới có sự hỗ trợ, giúp đỡ để có điều chỉnh cần thiết.

"Các đồng chí phạt 3 thẻ vàng cộng lại bằng 1 thẻ đỏ. Nhưng nếu cứ phạt thẻ đỏ thế này rất nguy hiểm. Tức là nó phải đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng, còn ít nghiêm trọng thì có luật khác", ông Kim nêu quan điểm.

Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu - 2

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Cà Mau (Ảnh: Phạm Thắng).

Cũng giơ biển tranh luận về chủ đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh "không làm gì cả là một hành vi vi phạm pháp luật", bởi trong quan hệ pháp luật, hành vi gồm hành động và không hành động.

"Không hành động tức là không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà Nhà nước trao cho, như vậy là vô trách nhiệm, mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý", ông Vân nói.

Vị đại biểu phân tích bộ phận này có 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là không biết gì nên không làm được gì. Nhóm thứ 2 là không có lợi thì không làm và nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ không làm.

"3 nhóm này đều không thực hiện nghĩa vụ mà Nhà nước, nhân dân trao cho. Vi phạm như vậy thì phải xử lý, rất đáng tiếc khi các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý", ông Vân nói.

Xem xét tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, vị đại biểu đề nghị xem xét xử lý hành vi này.

Theo ông, một người không làm gì mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.

Ví dụ bác sĩ không cứu người, gây ra hậu quả chết người phải truy tố. Một chủ tịch tỉnh mà không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ không phát triển khiến cho doanh nghiệp, nhân dân sa vào khó khăn, đại biểu cho rằng còn gây hậu quả lớn hơn nhiều vị bác sĩ kia. Vì vậy, ông đề nghị phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp này.