Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi báo "tin vui, tin mới nhất" đến Quốc hội
(Dân trí) - Sau mức tăng trưởng chỉ đạt 0,7% vào quý I, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi vui mừng thông báo đến các ĐBQH tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, là tăng trưởng quý II của thành phố ước đạt 5,87%.
Thảo luận ở tổ chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi dành nhiều thời gian để chia sẻ về những cơ chế mới được đề xuất lần này.
Mở đầu bài phát biểu, người đứng đầu chính quyền TPHCM báo tin vui đến các đại biểu Quốc hội về việc Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng của TPHCM trong quý II ước đạt 5,87% và mức tăng trưởng hai quý đầu năm đạt 3,55%.
Với việc đề xuất những cơ chế mới cho TPHCM, ông Mãi nói rằng đây là việc của quốc gia chứ không phải việc riêng của thành phố, bởi thực hiện nhóm những cơ chế chính sách này sẽ đem lại kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật chung.
Lãnh đạo TPHCM cho biết lần này, các cơ chế chính sách chủ yếu tập trung khơi thông nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức PPP, BOT, BT… hay các cơ chế giúp TPHCM huy động nguồn lực qua phát hành trái phiếu.
"Nếu làm tốt, tôi tin rằng TPHCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển", ông Mãi khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông, dự thảo nghị quyết lần này đề cập cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây là tiềm lực to lớn và có thể chưa đo đếm được kết quả ngay nhưng sẽ trở thành động lực mới của TPHCM và cả nước.
Riêng chính sách phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TPHCM và TP Thủ Đức, theo ông Mãi, để giúp thành phố chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn.
"Đó là 3 điểm nhấn của dự thảo nghị quyết lần này, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều đại biểu và chuyên gia", theo lời ông Mãi.
Trong tổ chức thực hiện, Chủ tịch TPHCM nêu bài học kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết 54 và cho biết lần này, TPHCM không chờ Quốc hội thông qua mà chủ động phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện các dự thảo nghị định hướng dẫn liên quan. Các đơn vị của TPHCM cũng đã chủ động nghiên cứu triển khai một số cơ chế, chính sách, ví dụ Sở Nội vụ đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng công vụ của thành phố.
Đặc biệt, liên quan đến việc triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Mãi cho biết TPHCM đã có kế hoạch cho từng sở ngành đăng ký những việc "dám nghĩ dám làm". Bên cạnh đề xuất nội dung cơ chế, ông Mãi nhấn mạnh cần củng cố đội ngũ tổ chức thực hiện của thành phố.
Nhắc tới định hướng về một dự án luật đô thị đặc biệt, ông Mãi nói việc này từng được TPHCM tính đến khi tổng kết Nghị quyết 54, song việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án luật cần rất nhiều thời gian. Trong lúc đó, vẫn phải có một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tính toán để trả lời câu hỏi TPHCM có cần một luật đô thị đặc biệt hay không?
Về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch TPHCM cho biết đã mời chuyên gia nước ngoài cùng ĐH Fulbright, các cơ quan trong nước xây dựng đề án xong trình Thủ tướng. Thủ tướng phân công Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với TPHCM hoàn thiện đề án này, và sẽ trình Quốc hội một nghị quyết riêng về trung tâm tài chính, bởi đây là vấn đề rất lớn.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặc biệt lưu ý đến tổ chức bộ máy, cán bộ.
Theo ông Vân, các nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai... cho TPHCM nhiều quyền hơn, nhưng mọi chính sách sẽ không có ý nghĩa nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý.
"Cần trao cho TPHCM năng lực pháp lý tự tổ chức bộ máy phù hợp trên cơ sở điều kiện của thành phố và tiêu chí mà thành phố xác định. Thành phố cũng nên có quyền định đoạt biên chế để tạo ra bộ máy linh hoạt của họ", theo góp ý của ông Vân.
Vị đại biểu kỳ vọng những cơ chế, chính sách nổi trội và khác với pháp luật hiện hành để thu hút nhân tài, và có như vậy, mới tạo được phát triển thực sự.