1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu hối thúc Luật Biểu tình khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

(Dân trí) - “Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, người dân rất mong muốn có điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Do vậy, nếu có Luật Biểu tình thì rất tốt”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Tại đây, các đại biểu đề cập đến việc một số dự án luật bị “treo” qua nhiều kỳ họp không xong.

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề cập đến Luật Biểu tình cần sớm được thông qua. “Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, người dân rất muốn có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Do vậy, nếu có Luật Biểu tình thì rất tốt”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng nêu quan điểm.

Đại biểu hối thúc Luật Biểu tình khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
Người dân biểu thị lòng yêu nước khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam

Quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra nhận xét, Luật Biểu tình chính là để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Để bảo đảm chính sách đó, đại biểu Nghĩa đề nghị đưa Luật Biểu tình ra kỳ họp thứ 10 và thông qua vào kỳ họp 11.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh mong muốn Luật Biểu tình có hiệu lực trong năm 2016. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cho ý kiến Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 diễn ra trong tháng 10 tới.

“Để đảm bảo tinh thần của Hiến Pháp 2013, quyền cơ bản của con người, tôi đề nghị Quốc hội cần cho ý kiến về Luật Biểu tình vào thảo luận trong kỳ họp thứ 10 để thông qua vào kỳ họp thứ 11, quý 1-2016”, đại biểu Vinh nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cảm thấy đáng tiếc vì đại biểu Quốc hội không được bấm nút thông qua dự án Luật Biểu tình. Đại biểu Khánh cũng mong muốn sớm được thay mặt cử tri thông qua dự luật này, để việc dân chủ hóa ngày càng tốt đẹp.

Kết lại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biểu tình, có hiệu lực vào năm 2016. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cũng có ý kiến về vấn đề này.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho lùi hạn trình với Luật Biểu tình. Dù vậy, Thường vụ chỉ chấp nhận đề nghị Quốc hội cho lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII này, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2016).

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm