Indonesia kêu gọi tuần tra chung ở Biển Đông
(Dân trí) - Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, nên tiến hành các cuộc tuần tra hòa bình chung để giảm nguy cơ xung đột, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia đề xuất.
Giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ gần đây đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á tuần tra chung Biển Đông trong bối cảnh Washington tìm cách trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 3/4 vùng biển. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không đề cập tới Trung Quốc là một bên có khả năng tham gia tuần tra.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 30/5, Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho hay các cuộc tuần tra sẽ gửi đi một thông điệp rằng không một quốc gia nào có thể "tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa bất kỳ ai" trong vùng biển.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo trên các bãi đá ngầm, gây lo ngại cho Mỹ và khu vực. Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực.
Indonesia từ lâu vẫn nói rằng nước này là một bên trung lập trong các tranh chấp, thậm chí khi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn lên một phần vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia.
Khi được hỏi liệu ông có cho rằng Trung Quốc có các ý đồ với quần đảo Natuna, Bộ trưởng Ryacudu trả lời là "chưa", nói thêm rằng Bắc Kinh không có quyền đối với quần đảo. "Chúng tôi có lịch sử tại đó", ông nói.
Tờ Straitimes của Singapore cho rằng các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông có vẻ khó thực hiện, dù các quốc gia liên quan có nhất trí đề xuất này. ASEAN đã hối thúc một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong hơn 1 thập niên qua mà chưa có đột phá.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng các cuộc tuần tra chung với Trung Quốc là không phải là "không có khả năng xảy ra". Theo ông, các cuộc tuần tra phối hợp giữa các nước đã rất hiệu quả tại các khu vực khác, như ngăn chặn cướp biển tại eo biển Malacca.
"Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu khu vực không ổn định", ông Hishammuddin phát biểu trước báo giới bên lề Đối thoại Shangri-La
Trong bài phát biểu trước đó tại Đối thoại Shangri-La, ông Hishammuddin hối thúc các quốc gia Đông Nam Á sớm đi một bộ quy tắc ứng xử tại vùng biển tranh chấp.
"Nếu chúng ta không thận trọng, nó có thể leo thang thành một trong những xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta", ông Hishammuddin nhấn mạnh.
An Bình
Theo ST