1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Đặc sản món sâu măng của người Mường Lát

(Dân trí) – Những con sâu bóng nhẫy, ngọ nguậy nhìn rùng mình qua bàn tay chế biến của người phụ nữ H'Mông đã trở thành món ăn đặc sản vào mùa lạnh đối với người Mường Lát (Thanh Hóa) và bất cứ du khách nào có dịp ghé qua mảnh đất này.

Ai đã từng lên huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) chắc hẳn đều được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sâu măng như: sâu măng xào, sâu măng chiên giòn, sâu măng om, sâu măng luộc chấm tương...

Vào thời điểm khi khí hậu bắt đầu chớm lạnh, những cơn mưa rừng bắt đầu tí tách là lúc sâu măng bắt đầu phát triển. Bởi thế vào mùa lạnh, rừng Mường Lát thường bắt gặp những phụ nữ H’Mông xách giỏ lên rừng bắt sâu măng về làm món ăn cho gia đình.

Những chú sâu măng được chọn kỹ càng dùng để ngâm rượu
Những chú sâu măng được chọn kỹ càng dùng để ngâm rượu

Đúng như tên gọi, sâu măng là loại sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng nứa trên những vạt rừng đại ngàn Mường Lát. Tháng Chín, tháng Mười (dương lịch) là bắt đầu vào mùa “săn” sâu măng của đồng bào vùng cao, kéo dài cho đến qua Tết. Khi cây măng nứa đã cao quá đầu người cũng là lúc những con sâu trưởng thành và vào độ béo nhất.

Theo kinh nghiệm của người H’Mông ở Mường Lát, muốn bắt được sâu măng, phải tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u là những nơi mà sâu nhiều và béo nhất. Bắt sâu không khó nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Để bắt sâu ra ngoài, phải đốn hạ thân măng mới trút được sâu trong ống nứa vào bao. Nếu may mắn, một ngày, một người có thể bắt được từ 1 – 1,5 kg sâu măng. Những chú sâu măng có màu trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay. Mùa sâu măng cũng là mùa học sinh bán trú tại khu trường cấp ba huyện Mường Lát ùa vào rừng “săn” sâu bán lấy tiền mua sách vở, đồ dùng học tập.

Sâu măng vừa được bắt trên rừng về
Sâu măng vừa được bắt trên rừng về

Món ăn được chế biến từ sâu măng từ lâu được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt vì độ ngậy ngậy, thơm bùi khiến khi ăn không ai còn cảm giác sợ hình dáng của những chú sâu măng lúc còn sống. Bên cạnh việc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, sâu măng xào còn thường được dùng làm mồi nhậu trong những dịp hội họp bên bình rượu cần của người H’Mông.Vào mùa lạnh, cái thú ngồi nhâm nhi chén rượu và ăn sâu măng rất hay. Cũng bởi cái độc đáo của sâu măng khiến trong mỗi gia đình không thể thiếu món ăn chế biến từ sâu măng trong những ngày Tết truyền thống của người Mường Lát. Khi có khách quý đến nhà, vào mùa sâu măng cũng không thể thiếu được món ăn đặc biệt này. Món ăn "kỳ dị", có vẻ rất đơn giản nhưng có giá đắt ngang với thịt bò. Mỗi kg sâu măng giá từ 150-200.000 đồng.

Sâu măng có nhiều cách chế biến nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là đem xào lá chanh. Cách chế biến khá đơn giản. Sâu măng rửa sạch, ướp muối, hạt nêm, cho dầu ăn vào chảo phi thơm hành củ băm, trút nhộng vào chảo đảo nhanh tay, khi thấy sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Thế là hoàn tất món sâu măng xào lá chanh.

Món đặc sản sâu măng xào lá chanh sau khi được chế biến
Món đặc sản sâu măng xào lá chanh sau khi được chế biến

Sâu măng không chỉ được người H’Mông dùng chế biến món ăn mà nó còn được dùng để ngâm rượu. Thứ rượu mà người Mường Lát vẫn truyền tai nhau “ông uống bà khen”. Sâu măng sau khi được thu lượm về sẽ được đem phơi sương một đêm, rồi tiếp tục phơi nắng một ngày. Trải qua giai đoạn này, con sâu nào vẫn còn sống, vẫn có thể “ngóc đầu” dậy mà bò lổm ngổm thì được tuyển chọn. Số sâu măng này được người ta đem xao trên chảo (không cho dầu ăn, mỡ) cho thân sâu măng săn lại sau đó trút vào bình ngâm rượu, tỉ lệ 1 phần sâu/3 phần rượu trắng. Hũ rượu sâu măng sau 30 ngày ngâm là có thể mang ra dùng được.

Nguyễn Thùy