Đà Nẵng: Hàng trăm nhà dân treo đầu sóng
100 hộ dân thuộc tổ 29, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đang bị triều cường đe doạ xâm thực. Đã có ít nhất 2 nhà dân và 5 trại nuôi tôm giống đã bị sóng đánh sập.
Ông Lê Văn Nghĩa - tổ 29, phường Hoà Hiệp Nam nói như người mất hồn: "Mép nước mới hôm qua còn cách đây 100m, thì ngay trong đêm 19/11 đã ăn vào đến tận hiên nhà. Cả xóm cuống cuồng dắt díu nhau đi ngay trong đêm. Cũng may, lực lượng bộ đội biên phòng Đồn 244 có mặt kịp thời, đội mưa chèn bao cát, kè tre, rọ đá giữ suốt 2 ngày ni nhà tôi mới trụ được".
Liền kề đó, nhà ông Trần Văn Lịch cùng với 5 trạm nuôi tôm kiên cố của các hộ lân cận đã "làm mồi" cho thuỷ thần. Tổ trưởng tổ dân phố Lê Trí Thức cho biết, hơn 100 hộ dân với gần 500 người thức trắng mấy đêm, thấp thỏm nhìn ra phía biển. Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm gần đây xảy ra hiện tượng sạt lở bất thường tại địa phương. Dải đất này ổn định, nên vẫn được Nhà nước cấp đất cho dân làm nhà, Sở Địa chính - Nhà đất cấp sổ đỏ.
Chưa có khuyến cáo nào về nạn sạt lở ở đây. Đã có 2 nhà dân, 5 trại tôm giống và 4 lô đất thổ cư đã đổ ập xuống biển. Cửa đông nam án ngữ làng ven biển này đã "hiến" cho triều cường 200m dài, 30-100m sâu vào đất liền.
Trước tình hình nguy cấp như vậy, liên tiếp các ngày 20 – 21/11, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - ông Dương Thành Thị đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng giúp dân, ngăn triều cường. Ông cho biết, "Trước mắt, địa phương đã trích hơn 100 triệu đồng, khẩn trương thực hiện việc đóng 3.000 cọc tre, 500 rọ đá, chèn trên 15.000 bao cát... hạn chế việc xâm thực trực tiếp tàn phá nhà cửa của một số hộ dân. Điều đáng nói là bên cạnh sự chuyển biến bất thường của thời tiết, tự nhiên, còn có tác nhân của con người.
Như việc Cty TNHH Phương Châu, Đà Nẵng được UBND thành phố cho phép khai thác cát dưới cái mác "nạo vét sông Cu Đê" cạnh đó suốt ngày đêm. Người dân khẩn thiết đề nghị UBND TP sớm chấm dứt việc "bán" cát này, đồng thời kiên cố hoá bờ kè khu vực xung yếu.
Theo Thanh Hải
Lao Động