1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng đối thoại về 2 nhà máy ô nhiễm: "Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy?"

(Dân trí) - Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và người dân sống gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm, người dân yêu cầu phải đóng cửa nhà máy.

Chiều 28/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi đối thoại với người dân sống gần Công ty CP Dana – Ý và Công ty CP Dana – Úc gây ô nhiễm.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Nhạn (trú thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đặt ngay câu hỏi: “Các anh lãnh đạo sống vì dân hay vì nhà máy?”.

Theo ông Nhạn, nhà máy thép hoạt động đã lâu, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân đã nhiều lần phản ứng nhưng đâu lại vào đấy.

Một người dân bức xúc trước việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm và yêu cầu chính quyền có biện pháp giải quyết sớm
Một người dân bức xúc trước việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm và yêu cầu chính quyền có biện pháp giải quyết sớm

“Bây giờ yêu cầu đóng cửa lò nấu của nhà máy. Nếu giải tỏa thì đưa dân chúng đi nơi nào chứ không đưa lên khu tái định cư Hòa Liên 6 vì lên đó khói bụi từ nhà máy cũng bay lên”, ông Nhạn nói.

Ông Trương Vân Long (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) yêu cầu lãnh đạo thành phố cần phải trả lời dứt điểm ngay tại buổi đối thoại để người dân yên ổn sống.

“Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy? Thành phố chọn thế nào dân chúng tôi chọn thế đó. Nhưng tôi vẫn kiến nghị là di dời nhà máy đi. Dân di dời lên khu tái định cư cũng không khỏi ô nhiễm. Nhà máy hoạt động vẫn ảnh hưởng. Vì thế di dời nhà máy là hợp lý hơn”, ông Long kiến nghị.

Ông Long cũng đề nghị, hai nhà máy cần dừng hoạt động dứt điểm để tránh xung đột quyền lợi, sức khỏe của người dân chứ bây giờ dân chịu không nổi nữa.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trả lời người dân tại buổi đối thoại
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trả lời người dân tại buổi đối thoại

Ông Phạm Mai (Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo thành phố đừng hứa nữa, đừng đổ thừa nữa.

“Đổ thừa mệt lắm. Một là nhà máy đi, hai là dân đi, lộ trình đi như thế nào? Nếu dân đi thì có thể một năm, hai năm hoặc ba năm là xong nhưng khi dân đi hết thì nhà máy mới được hoạt động”, ông Mai nói.

Sau khi nghe một số ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, cuối 2016 khi xảy ra những vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy thép, bà con có ý kiến, thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn gặp gỡ, tiếp xúc với bà con. Sau một số cuộc đối thoại, giữa thành phố, bà con và hai nhà máy cùng thống nhất phương án sẽ di dời nhà máy có lộ trình, đồng thời di dời dân.

“Giải quyết vấn đề nhà máy như thế nào bản thân lãnh đạo thành phố cũng rất lúng túng. Cả hai phương án đưa ra (di dời nhà máy hay phương án di dời dân) đều không có phương án tối ưu. Hai phương án đều xấu, vấn đề là chúng ta phải chọn ra được một phương án ít xấu nhất cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

Theo ông Minh, đầu tiên, lãnh đạo thành phố định di dời nhà máy, nhưng qua rà soát vẫn không tìm được vị trí để di dời hai nhà máy.

Bây giờ có hai phương án dời dân và di dời nhà máy chậm hơn một chút và phương án di dời nhà máy. Cả 2 phương án đều phải đối mặt với lượng kinh phí lớn. Nếu di dời dân, phải đối mặt với áp lực tái định cư. Di dời hai nhà máy tức là họ phải đóng cửa thì phải đền bù. Cả 2 phương án đều không có phương án tối ưu.

“Lần trước người dân đều đồng ý là di dời dân trước, dời nhà máy sau. Lần này đa số có ý kiến của bà con là đóng cửa nhà máy và không di dời dân. Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ báo cáo lại thành phố”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay.

Sau khi nghe phát biểu của ông Hồ Kỳ Minh, một người dân đứng dậy cho biết, tất cả người dân ở đây đều thống nhất đóng cửa nhà máy, khi nào dân đi thì nhà máy hoạt động.

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh tiếp nhận ý kiến của người dân và cho biết sẽ báo cáo kết quả với người dân vào sáng thứ 2 tuần tới.

Khánh Hồng