1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Đà Nẵng đăng ký đóng mới 90 tàu vỏ thép

(Dân trí) - Đó là con số được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị điịn số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, tính đến nay, TP Đà Nẵng có 146 cá nhân, tổ chức (bao gồm: 138 ngư dân, 1 cá nhân và 7 doanh nghiệp) đăng ký đóng mới 184 tàu (bao gồm 161 tàu khai thác thủy sản và 23 tàu dịch vụ hậu cần) trong đó có 90 tàu vỏ thép, 85 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vật liệu khác. 

Trong khi tổng số tàu đóng mới của TP Đà Nẵng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ là 47 tàu (39 tàu khai thác thủy sản, 8 tàu dịch vụ hậu cần).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng kiến nghị, để có sở sở cho các địa phương xét chọn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, đề nghị có thông tư liên tịch của Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước. Cần có quy định rõ cụm từ “khai thác hải sản xa bờ” để triển khai khoản 8, điều 6 (chính sách ưu đãi thuế), khoản 2, điều 7 (một số chính sách khác). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần công bố sớm 21 thiết kế mẫu đóng tàu vỏ thép. Bộ Tài chính công bố các đơn vị bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm khai thác hải sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Đối với trường hợp tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nay chủ tài đang đóng lại con tàu khác. Tàu đóng trước ngày 25/8, giờ nguyện vọng của bà Hoa được vay vốn theo Nghị định 67 sớm. Hiện nay tàu đang lên ván vỏ, nếu có kinh phí cuối tháng 10/2014 sẽ hạ thủy. Đề nghị Bộ có cơ chế cho trường hợp này.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành thông tư liên tịch giữa các bộ về việc triển khai nghị định 67 để địa phương dễ dàng thực hiện; cho bà Hoa được vay vốn theo Nghị định 67;  đồng thời ban hành tiêu chí với các cơ sở đóng mới tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cho địa phương. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cáo những kết quả của TP Đà Nẵng trong thời gian vừa qua. Mặc dù là thành phố công nghiệp, tỷ lệ nông nghiệp, thủy sản thấp nhưng lãnh đạo Đà Nẵng rất quan tâm đến thủy sản, có nhiều mô hình, cách làm hay mà các địa phương khác phải học hỏi.

Về việc triển khai nghị định, đây là nghị định được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ghi nhận nhiều kỷ lục: nhanh nhất, khuyến khích nhất, đồng bộ nhất. Theo đó, các thông tư hướng dẫn cũng ra đời trong thời gian ngắn nhất. Bây giờ các địa phương phải gánh trách nhiệm triển khai. Nhanh hay chậm là phụ thuộc vào mỗi địa phương.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi làm việc

“Đề nghị các đồng chí căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của các Bộ để triển khai. Vướng ở lĩnh vực nào thì các ngành tổng hợp và kiến nghị lên ngành cấp trên của mình. Theo tinh thần như vậy thì quy trình làm phải đầy đủ, không được làm tắt”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng giải thích vì sao số lượng đăng ký đóng mới của Đà Nẵng lên đến 184 tàu trong khi chỉ được phân bổ 47 tàu. Đó là trước hết chúng ta đang hướng đến phát triển ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng theo hướng bền vững. Đời này chúng ta khai thác thì phải để đời sau cho con cái chúng ta có cái để khai thác. Căn cứ vào việc tiến hành điều tra nguồn lợi trên biển và sơ bộ tính được, đến năm 2020 số tàu đánh bắt xa bờ là 30.000 tàu mà hiện nay chúng ta đã có gần 28.000 tàu. Nếu đăng ký nhiều thì số tàu sẽ tăng lên, nguồn lợi thủy sản sẽ hết. Thiệt hại ban đầu thuộc về bà con. Nếu các tỉnh không theo sự phân bổ chung thì thiệt hại cho ngư dân và đất nước. Đây là một sự cố gắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về việc Đà Nẵng đăng ký đóng mới 90 tàu vỏ thép, Bộ ghi nhận nhưng trước hết cứ đóng hết 47 tàu đã nếu các địa phương khác không đóng hết chỉ tiêu của mình thì Bộ sẽ xem xét lại việc phân bổ thêm cho Đà Nẵng.

Đối với trường hợp của bà Huỳnh Thị Như Hoa, Thứ trưởng cho biết cũng rất muốn nhưng quy định của pháp luật là quy định. Trong hướng dẫn thế nào thì cứ căn cứ vào đó mà làm. Nếu bà Hoa đủ điều kiện thì cứ yên tâm. Nếu không đủ điều kiện thì các đồng chí cứ đề xuất. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng bất cứ ai hưởng nghị định 67 đều phải đủ điều kiện.

Khánh Hồng