DNews

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam?

Công Bính

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định ngoài việc "dám nghĩ, dám làm" của lãnh đạo, địa phương này còn có một số ưu thế khác để triển khai mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam - khu thương mại tự do.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam?

Ngày 1/1/2025, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng có hiệu lực.

Theo đó, Quốc hội đồng ý cho lập Khu Thương mại tự do (KTMTD) Đà Nẵng. Chính quyền nơi đây đã nắm bắt cơ hội này thế nào, phóng viên báo Dân trí có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề trên.

Đà Nẵng có ưu thế nào để thực hiện mô hình KTMTD?

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 1

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo ông, Đà Nẵng có những ưu thế nào khi triển khai khu thương mại tự do vừa được Quốc hội thông qua?

- Đà Nẵng có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều điểm kết nối quốc gia và quốc tế như cảng biển và sân bay quốc tế, đường sắt, đường bộ và trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây cũng là một trong những trung tâm du lịch lớn quốc gia.

Cùng với đó, chiến lược và mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, đổi mới sáng tạo của vùng và khu vực miền Trung đã được Trung ương và Chính phủ định hướng trong các nghị quyết, quy hoạch phát triển.

Ông vừa liệt kê một loạt các ưu thế, vậy góc nhìn của ông đâu là điểm thuận lợi nhất để địa phương áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam?

- Một trong những điều kiện quan trọng cho việc hình thành KTMTD đó là gắn với cửa khẩu quốc tế, nhất là cảng biển. Ngoài ra, Đà Nẵng là một trong rất ít địa phương của cả nước có lợi thế về giao thông như đã nêu trên.

Bên cạnh đó, thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển hạ tầng khá đồng bộ, kết nối hệ thống giao thông trong nước và quốc tế. Cùng với đó là sự mạnh dạn, quyết tâm "dám nghĩ, dám làm" của lãnh đạo Đà Nẵng và sự ủng hộ, tin tưởng của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ là những điều kiện hết sức thuận lợi cho Đà Nẵng triển khai.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 2

Khu vực cảng Liên Chiểu đang được thi công (Ảnh: Hoài Sơn).

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 năm. Xin ông cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã chuẩn bị được những gì cho lộ trình trên?

- Có thể nói, để chuẩn bị cho việc xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã từng bước triển khai cụ thể hóa các nghị quyết và quyết định của Trung ương để làm cơ sở chính trị và pháp lý cho việc triển khai thực hiện nghị quyết như:

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao…

Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 3

Cảng biển Liên Chiểu gắn với KTMTD (Ảnh: Hoài Sơn).

Đà Nẵng sẽ tập trung vào vấn đề gì trong thời gian trước mắt thưa ông?

- Đến nay, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành: Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập KTMTD Đà Nẵng; các văn bản hướng dẫn cần thiết của các bộ, ngành Trung ương cũng như các quy định thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố để hiện thực hóa các chính sách đối với KTMTD.

Bài học kinh nghiệm từ thế giới

Từ lúc triển khai đến lúc đưa KTMTD Đà Nẵng vào hoạt động, địa phương có tính tham khảo gì từ mô hình KTMTD trên thế giới hay không?

- Qua nghiên cứu một số KTMTD điển hình tại các quốc gia châu Á, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về phát triển thành công KTMTD như sau:

Về pháp lý, KTMTD không chỉ là công cụ để thu hút nguồn vốn FDI, tạo thêm việc làm mà còn là công cụ để thí điểm đổi mới cơ chế chính sách, thể chế kinh tế, nâng cấp môi trường kinh doanh đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm để cải cách sâu sắc và toàn diện trên toàn quốc. Qua đây cũng tăng cường hội nhập vào chuyên môn hóa theo chiều dọc, nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong giai đoạn hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh đang dần trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng của một quốc gia. Với các KTMTD thí điểm tại Trung Quốc, chức năng đổi mới thể chế đóng vai trò cốt lõi và là ưu tiên của Trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Đây được coi là "biện pháp chiến lược quan trọng" cho sự phát triển. Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện hơn 3.400 "nhiệm vụ cải cách thí điểm" trong 21 KTMTD và đã nhân rộng 302 thành quả đổi mới thể chế ở cấp quốc gia và hàng nghìn thành quả ở cấp tỉnh.

Về mục tiêu thành lập, ngoài các mục tiêu chiến lược như thu hút FDI còn tạo ra nhiều việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và tăng nguồn thu ngoại tệ. Chính phủ các quốc gia cần cân nhắc các lợi ích gián tiếp từ việc thành lập KTMTD để định hình mục tiêu và chức năng phát triển cho phù hợp như: hình thành nền kinh tế trụ sở chính, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, thu hút nhân tài, đổi mới thể chế mang lại tác động to lớn đối với nền kinh tế xã hội của nước sở tại.

Thứ nhất, hình thành được nền kinh tế trụ sở chính khu vực của các công ty đa quốc gia tại các địa phương như: Singapore, Dubai, Thượng Hải.

Thứ hai, đổi mới khoa học công nghệ: Singapore, Thượng Hải, Thanh Đảo, Dubai, Incheon, Busan đều là những nơi có các ngành công nghệ cao như y sinh, AI, năng lượng hydrogen, vi mạch điện tử…

Thứ ba, thu hút nhân tài cấp cao của thế giới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, vận tải biển, logistics đến các ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao. Việc làm này chỉ có doanh nghiệp mới thực hiện được.

Thứ tư, đổi mới thể chế, quản lý Nhà nước để nâng cấp môi trường đầu tư kinh doanh trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về phạm vi lĩnh vực hoạt động, KTMTD là cơ chế để tạo ra môi trường cho các dòng hàng hóa, vốn, nhân sự, công nghệ tự do lưu thông với thế giới. Lợi ích lớn nhất mà các địa phương - nơi hình thành KTMTD - là tác động lan tỏa về khoa học, kỹ thuật, trình độ nhân sự, nâng cao đời sống người dân. Ví dụ những địa phương đã hình thành được nền kinh tế trụ sở chính - trung tâm quản lý các nguồn lực toàn cầu - như Singapore, Dubai, Thượng Hải.

Chính vì vậy, ngày nay, các quốc gia trên thế giới không giới hạn hoạt động của KTMTD trong lĩnh vực thương mại như tên gọi của nó mà mở rộng ra các lĩnh vực khác như dịch vụ tài chính, kinh tế trụ sở chính, logistics, vận tải biển, công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển...

Có thể thấy, trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập sâu sắc, KTMTD chính là công cụ để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Và việc hình thành KTMTD gắn với cảng biển và cảng hàng không sẽ giúp cho địa phương đó trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 4

Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Về vị trí, KTMTD có mối quan hệ mật thiết với cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế. Với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa ngõ giao thương quốc tế, cảng biển trung chuyển, cảng hàng không thúc đẩy thương mại quốc tế và tạo ra lợi ích kinh tế trong KTMTD. Ở chiều ngược lại, các KTMTD với cơ chế, chính sách lưu thông hàng hóa thông thoáng tạo ra hậu cần công nghiệp để phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế.

Do đó, KTMTD chỉ phát huy hết lợi thế, mang lại lợi ích lớn nhất khi nó gắn với cảng biển cửa ngõ, trung chuyển quốc tế hoặc cảng hàng không quốc tế. Đặc biệt, nếu có thể hình thành hành lang vận tải ngoại quan giữa cảng biển và cảng hàng không sẽ tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh của KTMTD.

Tất cả các KTMTD khảo sát đều nằm liền kề hoặc nằm trong khoảng cách gần, kết nối với cảng biển cửa ngõ, trung chuyển quốc tế và cảng hàng không quốc tế để tạo ra vận tải đa phương thức, tăng tính hiệu quả của hoạt động vận tải thương mại quốc tế.

Về mô hình, mô hình KTMTD tích hợp đô thị giúp hình thành các cụm công nghiệp với các tiện ích xã hội, văn hóa, giáo dục, công nghệ, kinh doanh, cả về du lịch và các tiện ích liên quan. Việc này phù hợp với xu hướng hiện đại về phát triển đô thị thông minh và KTMTD với trọng tâm là dịch vụ thương mại (điển hình là KTMTD Thượng Hải phân khu Lin-gang).

Ngoài ra, KTMTD không nhất thiết phải là một khu vực tập trung mà có thể bao gồm nhiều phân khu chức năng với mỗi phân khu có một chức năng khác nhau. Việc thành lập KTMTD có thể được thực hiện trên nền tảng các khu vực cảng/công nghiệp hiện hữu hoặc xây dựng mới, tùy thuộc vào đặc điểm và nhu cầu của từng quốc gia.

Về chính sách ưu đãi, bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore cho thấy chính sách thuế là một yếu tố quan trọng nhưng cũng chỉ là điều kiện cần để thu hút đầu tư. Quan trọng là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong đó, trọng tâm của chính sách hỗ trợ tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang cạnh tranh ngày càng gay gắt và hội nhập thiên về dịch vụ thì môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của các công ty đa quốc gia chính là chìa khóa để tích lũy nguồn lực cao cấp, là yếu tố then chốt để vượt trội trên trường quốc tế toàn cầu.

Về phát triển hạ tầng, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công của KTMTD là nguồn lực thực hiện, trong đó nguồn lực rất lớn đầu tư cho kết cấu hạ tầng như: bến cảng, đường cao tốc, đường sắt, sân bay… mà hầu hết là từ nguồn lực từ Chính phủ, hoặc Chính phủ cho cơ chế để đi vay.

Vì vậy việc lựa chọn vị trí, khu vực để thành lập KTMTD hầu hết các nước đều tính đến hạ tầng có sẵn, đang đầu tư, hoặc phát huy lợi thế của mạng lưới vận chuyển đa phương thức quốc gia đang và sẽ vận hành.

Ngoài các mô hình phổ biến là Nhà nước đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KTMTD như: Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE, Singapore, còn có mô hình Nhà nước chỉ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và cho thuê đất, nhà đầu tư trực tiếp đầu tư hạ tầng và quản lý điều hành KTMTD như Malaysia (Khu thương mại tự do Pelepas).

Về bộ máy quản lý hành chính cần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch. Chính quyền địa phương được trao quyền nhất định trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong công tác quản lý, điều hành KTMTD. Phối hợp hoạt động giữa các cơ quan hữu quan để đảm bảo tính hiệu quả, và thuận tiện cho các nhà đầu tư và công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chính quyền.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 5

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Được Quốc hội đồng ý cho Đà Nẵng lập KTMTD với một số cơ chế, chính sách đặc thù, phía chính quyền cần làm gì để không diễn ra tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách thưa ông?

- Việc thí điểm thành lập KTMTD tại thành phố Đà Nẵng mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.

Do đó, các cơ chế, chính sách để hình thành và phát triển KTMTD Đà Nẵng đã được đề xuất đảm bảo phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay; đảm bảo tính tuần tự. Từng bước thí điểm theo hướng kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau.

Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp. Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện để không diễn ra tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách.

Đối với các chính sách chưa rõ, nhưng thông lệ quốc tế đang áp dụng và trong tầm kiểm soát thì cho áp dụng thí điểm gắn với các điều kiện đảm bảo kiểm tra, giám sát cụ thể. Các nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia như trợ cấp, tự do tiếp cận thị trường, gia tăng nợ công… thì không áp dụng.

Sáng 26/6, với 452/459 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đáng chú ý, Quốc hội đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 năm.

Đà Nẵng có ưu thế nào khi áp dụng mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam? - 6

Bài liên quan: 

Khu Thương mại tự do Đà Nẵng: Mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam

Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - nơi có thể hút khách du lịch đến tiêu tiền

Ngắm cảng biển gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng từ trên cao

Công trường đường nối cảng biển gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng

Lấy ý kiến 4 vị trí xây Khu Thương mại tự do Đà Nẵng

Trọng trách của Đà Nẵng trước mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam