1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền!”

(Dân trí) - “Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình và thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền và cũng không nên “thương mại hóa” nghĩa vụ quân sự”, ĐBQH - Thiếu tướng Nguyễn Xuân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Bỏ quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự khỏi dự thảo Hiến pháp

Nói về quy định “Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự (NVQS) và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế NVQS do luật định” đưa ra trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận có thế thấy số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đều đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong Hiến pháp.

“Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền!”
"Nếu đáp ứng đủ yếu tố như quy định thì cá nhân phải đi làm nghĩa vụ quân sự", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Theo đó, các ý kiến đặt vấn đề, trong Hiến pháp chỉ quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân mà nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ thiêng liêng cao quý, là trách nhiệm của mỗi công dân nên chỉ quy định nghĩa vụ quân sự chứ không quy định nghĩa vụ thay thế.

“Trong Hiến pháp, một bên đang nói về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, một trách nhiệm lớn mà tự nhiên lại mở ra vấn đề thay thế nghĩa vụ này ngay bên cạnh thì không ổn. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi không đưa vấn đề này ra nữa. Còn trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện cũng đã nêu, mỗi công dân có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn việc làm nghĩa vụ đó thế nào, có thể thay thế hoặc không thay thế thì phải tính quy định cụ thể trong luật” - ông Lưu phân tích.

Về băn khoăn của dư luận với 2 hướng hiểu khác nhau liên quan đến nghĩa vụ thay thế, một hướng theo nghĩa người không tham gia nghĩa vụ quân sự thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế, ví dụ như nộp tiền; một hướng khác là có thể nộp tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Lưu cho biết, sau này khi sửa luật Nghĩa vụ quân sự sẽ tính, trên cơ sở thực tiễn cuộc sống.

Nghĩa vụ quân sự như quy định trong luật, theo ông Lưu cũng có những điều kiện cần đảm bảo để được thực hiện nghĩa vụ này như tuổi, sức khỏe, điều kiện gia đình, hoàn cảnh thân thể… Nếu đáp ứng đủ những yếu tố đó thì cá nhân phải đi làm nghĩa vụ quân sự. Những trường hợp công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ mà không làm được do những yếu tố khách quan, nếu có đặt vấn đề phải thực hiện thay thế bằng nghĩa vụ khác thì phải tính thêm.

ĐBQH - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (Phó Tư lệnh Quân khu 9): Nghĩa vụ quân sự phải đảm bảo công bằng:
 
Nhiều lần góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 về quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (Phó Tư lệnh Quân khu 9) cho rằng, nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng, không gì có thể thay thế được. Nhiều nước thanh niên dù đã đậu đại học khi đến tuổi vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự xong rồi về học tiếp. Điều đó mang lại sự công bằng chung cho tất cả mọi thanh niên ở tuổi trường thành.

Nghĩa vụ quân sự phải đảm bảo công bằng, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ
"Nghĩa vụ quân sự phải đảm bảo công bằng", Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ

“NVQS là thiêng liêng, phải đảm bảo sự công bằng. Tôi không ngại nói thẳng vấn đề này, vì nó là lợi ích quốc gia, là xương máu, danh dự mọi người phải có nghĩa vụ tham gia”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ nói.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ cũng lo ngại nếu NVQS có thể thay thế bằng cách đóng góp bằng tiền thì sau này chỉ còn lại những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo trình độ không đạt mới tham gia quân đội. Hơn nữa, trang thiết bị ở quân đội mỗi ngày một cao, hiện đại mà trình độ quân nhân không đáp ứng được nhu cầu thì các loại vụ khí sẽ bị hạn chế.

“NVQS là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình cũng như thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được và cũng không nên “thương mại hóa” nghĩa vụ quân sự”, Thiếu tướng Tỷ nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ cho rằng, không nên thay thế NVQS bằng tiền vì điều đó sẽ không đảm bảo công bằng cho toàn xã hội.

P. Thảo - Quang Phong