1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc đời mới của Bình “bán phở”

Di chứng những trận đòn roi ngày nào vẫn còn nhưng khuôn mặt của Nguyễn Thị Bình, người bị hành hạ dã man suốt 13 năm làm thuê cho quán phở ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, giờ đây thật rạng rỡ và viên mãn bên chồng con.

 
Vợ chồng Bình bên con trai Minh Hiển và ân nhân - ông Phạm Bình Minh - Ảnh: L.Anh
Vợ chồng Bình bên con trai Minh Hiển và ân nhân - ông Phạm Bình Minh - Ảnh: L.Anh

 

Trong căn nhà khang trang bên bờ đầm nuôi tôm và cua bể ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định, đang có 40 người dự tiệc. Hôm nay, gia đình này tổ chức tiệc đầy tháng cho bé trai Lý Minh Hiển, con trai của Nguyễn Thị Bình, cô gái được cứu thoát năm 2007 sau 13 năm làm thuê không lương, bị hành hạ dã man tại quán phở của gia đình Phương - Đức ở Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Năm năm gặp lại, giờ Bình đang là người mẹ trẻ, có chồng, có con trai và những người mà cô đang coi là người thân ở xung quanh.

 

Từ thương đến yêu

 

Nhìn thật kỹ, dấu vết còn lại của quá khứ là những vết sẹo mờ trên mặt, hai bàn tay rất to, to khác thường so với vóc dáng của người phụ nữ chỉ tròm trèm 40kg. Khi Bình bước đi, dấu vết ấy càng lộ rõ: đốt sống lưng của Bình gần như cứng, khiến cô hơi phải còng mỗi bước đi.

 

Ấy là dấu vết của những tháng năm gánh nước, rửa bát, bưng bê vất vả mà cô đã trải qua ở gia đình chủ quán phở. Đã năm năm trôi qua, đến giờ thỉnh thoảng Bình vẫn gặp ác mộng.

 

Thế nhưng cảm giác xót xa ấy tan biến khi một người đàn ông ngoài 30, thấp nhưng chắc chắn, nói giọng hơi trại trại đến giúp Bình trông con, tiếp khách. Anh Lý Trung Tuyến, chồng Bình, vốn là người dân tộc Nùng quê gốc Lạng Sơn. Tuyến đã tốt nghiệp đại học và từng đi làm việc tại Malaysia.

 

Về nước, anh làm quản lý ở một cơ sở cung cấp nước đóng chai. Những hình ảnh đáng thương của cô gái Nguyễn Thị Thông, tức Bình, ở quán phở đã khiến Tuyến động lòng.

 

Tuyến tìm khắp nơi, rồi tìm được Bình đang bán chè thuê ở Mai Động, Hà Nội. Làm quen rồi cảm mến, rồi tình yêu, chàng trai thật thà ấy đã khiến Bình xiêu lòng.

 

Năm 2011, hai người làm đám cưới. Sau đám cưới ấy là lúc phải kể đến người đàn ông thứ ba trong gia đình này - ông Phạm Bình Minh, 73 tuổi, Việt kiều Mỹ, đã trở lại quê hương Nam Định sinh sống bằng nghề nuôi tôm, cua.

 

Biết tình cảnh của Bình, ông Minh gọi đến và nói một câu giản dị: hai vợ chồng về chơi, nếu thấy hợp thì ở lại làm ăn, ông sẽ giúp.

 

Chỉ một lời mời giản dị, vợ chồng Bình - Tuyến về Bạch Long và gắn bó với vùng đất mới này gần một năm nay. Bé trai Minh Hiển, con cô, chào đời ở Bạch Long và cô dự định chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

 

“Chúng tôi đến với nhau ban đầu là thương, thương sau khi đọc báo biết được hoàn cảnh của Bình. Khi đi tìm và gặp Bình tại quán chè ở Mai Động, Hà Nội, tôi đã rất xúc động và mến cô ấy. Sau này chúng tôi quyết định cưới nhau, rồi được ông Minh quý mến giao cho công việc ở đây. Hiện giờ hai vợ chồng tôi đều cảm thấy đã tìm được nơi đất lành để lập nghiệp”, anh Lý Trung Tuyến tâm sự.

 

Hôm Bình trở dạ (ngày 30/10/2012) chỉ hai ngày sau cơn bão số 8, cơn bão mà ông Nguyễn Văn Nguyên, trưởng Công an xã Bạch Long, tâm sự là từ lúc ông sinh ra chưa có cơn bão nào lớn thế.

 

“Bão quật đổ hết nhà cửa, cây cối tan hoang, cả nhà chúng tôi chỉ lo cháu nó trở dạ. May quá bão tan rồi mới thấy cháu đau bụng, tôi kêu taxi để bà xã đưa cháu lên bệnh viện tỉnh, may quá là mẹ tròn con vuông” - ông Minh tâm sự.

 

Mong đất lành, cây nảy lộc

 

Bế con đến cạnh ông Minh, Bình giới thiệu: “Ông tôi đây. Từ khi về đây, tôi đã có cảm giác như một gia đình, cuộc sống ổn định, có chồng, có con, ông bà quý mến, tôi đã quá mệt mỏi, đây là lúc dừng chân lại rồi. Tết này tôi sẽ ở lại Bạch Long ăn tết với ông”.

 

Hỏi Bình còn điều gì thù hận những người đã hành hạ cô suốt 13 năm, Bình chỉ cười: “Gia đình họ đã mất rất nhiều thứ, tôi nghĩ họ đã phải trả cái giá quá đắt rồi. Giờ tôi chỉ muốn được sống yên bình với chồng con và những người thân ở đây”.

 

Tôi hỏi Bình có còn muốn gặp người mẹ đã bỏ cô đi từ năm 7-8 tuổi, từ đó chưa một lần quay lại tìm con, Bình nói những người làng (quê Bình thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) đi Đài Loan đã gặp mẹ cô, bà vẫn còn sống và khá giả.

 

Nhưng Bình không giận mẹ, chỉ mong một lần mẹ về đây nhìn con và cháu, thế là cô đã mãn nguyện rồi. Bình nói từ khi được giải thoát, nhờ báo chí lên tiếng cô mới biết mình sinh năm 1983, có ông Minh, rồi có cha mẹ nuôi (là con gái bà Hà Kim Bình, người đã cứu cô) đều rất tốt, nếu có mẹ về cuộc sống sẽ càng tròn đầy, hạnh phúc...

 

Chia tay, ông Minh kêu vợ chồng Bình cùng đi tiễn. Tất cả chúng tôi lên xe, mở bung cửa kính để đón những cơn gió rào rạt bên bờ đầm. Câu chuyện trên xe thật thân tình và ấm cúng, ít ai biết họ vốn là những người xa lạ, mới gặp nhau chưa đầy một năm nay bắt đầu từ tình thương, rồi sự cảm mến và trân trọng.

 

Ông Minh cho biết đầm tôm, cua và diện tích ông đang khai thác rộng 30ha. “Tôi có ăn thì các cháu cũng có ăn. Tôi nhìn thằng cháu mới sinh rồi sẽ khá, nó sinh ra đã biết tránh ngày bão lớn” - ông Minh chân thành nói.

 

* Cuối năm 2007 đầu năm 2008, Bình là "nhân vật" của báo chí sau khi được giải cứu khỏi quán phở của gia đình Phương - Đức ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội.

 

* 13 năm làm thuê không lương nhưng Bình nhận được tới... 424 vết sẹo do bị vợ chồng chủ quán đánh đập, thậm chí có lần cô bị bà chủ dùng dao đâm vào ống chân, bị ông chủ dùng kìm điện kẹp vào sườn, hông, lưng...

* Bạn đọc cả nước cảm thương số phận của Bình và gửi tặng Bình tổng cộng 94.500.000 đồng. "Nhưng đến cuối năm 2008 thì số tiền này hết sạch. Tôi đã cho người em và một số người quen biết vay đều không thu lại được. Hết tiền, tôi trở lại Hà Nội làm thuê, rồi được gặp chồng và nhiều người tốt khác, như ông Minh đây" - Bình nói.

 

Theo Lan Anh
 Tuổi trẻ