1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Doanh nghiệp "băm nát" hành lang giao thông QL 1A:

Cục Quản lý đường bộ nói gì về thông tin “giơ cao đánh khẽ với doanh nghiệp”?

(Dân trí) - Ngày 18/11, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II (Bộ GTVT) liên quan đến thông tin cho rằng đơn vị chỉ “giơ cao đánh khẽ” khiến doanh nghiệp ngang nhiên cắt xẻ, thi công công trình trái phép trên phần đất dành cho QL1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Cục Quản lý đường bộ nói gì về thông tin “giơ cao đánh khẽ với doanh nghiệp”? - 1

Ông Nguyễn Thanh Hoài (bên phải) trao đổi với PV Dân trí

“Nóng ruột lắm!”

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thanh Hoài cho biết, lãnh đạo đơn vị đã xem hết các bài viết, nội dung mà báo phản ánh. Ông Hoài thừa nhận có thực trạng đáng lo ngại nêu trên, khẳng định "không có đất nước nào mà việc đấu nối lại vô tội vạ như thế".

Cục phó Cục QLĐB II cho biết: Sau 2 bài viết phản ánh của Dân trí, Cục QLĐB II đã họp nhanh và yêu cầu Chi cục QLĐB II.3 báo cáo tổng thể toàn bộ các điểm đấu nối, vi phạm hành lang giao thông trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh.

Cục Quản lý đường bộ nói gì về thông tin “giơ cao đánh khẽ với doanh nghiệp”? - 2

Hình ảnh một doanh nghiệp ngang nhiên cắt tường hộ lan, thi công công trình trái phép trên hành lang Quốc lộ 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Trả lời câu hỏi của Dân trí: “Có hay không việc Cục và đơn vị trực thuộc chỉ “giơ cao đánh khẽ” doanh nghiệp, cá nhân vi phạm, khiến việc cắt tường hộ lan, đấu nối trên quốc lộ tràn lan như dư luận phản ánh?”, ông Hoài khẳng định không có chuyện đơn vị nương tay, bao che.

“Không bao giờ có chuyện đó. Không có chuyện chúng tôi tiếp tay cho doanh nghiệp, cá nhân làm sai. Mấy tháng trước chúng tôi đã cho kiểm tra, đã xử phạt hành chính bằng tiền, hành vi nào thì chúng tôi xử phạt theo lỗi đó. Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm triển khai các biện pháp khắc phục sai phạm, trong đó có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm đấu nối tự phát này”- ông Hoài nói.

Cục Quản lý đường bộ nói gì về thông tin “giơ cao đánh khẽ với doanh nghiệp”? - 3

Ông Hoài cho biết "rất sốt ruột" khi tình trạng đấu nối tự phát diễn ra tràn lan.

Ông Hoài lí giải việc doanh nghiệp vẫn sai phạm, không khắc phục nguyên trạng như Cục yêu cầu là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu đường gom để ra vào công ty; tiếp đó là doanh nghiệp cần có thời gian khắc phục.

“Thực ra chúng tôi cũng nóng ruột lắm, rất lo ngại về tai nạn giao thông. Vì lo mà tôi vẫn thường xuyên nói với các doanh nghiệp: Các ông đấu nối trái phép, xe ông bò ra mà gây tai nạn thì doanh nghiệp các ông chứ không ai phải chịu trách nhiệm trước. Các doanh nghiệp biết thế, nhưng họ than khó khăn khi không có đường nào để xe cộ ra vào công ty”- ông Hoài thông tin.

Phủ nhận có sự nương tay đối với doanh nghiệp sai phạm, ông Hoài cho biết đơn vị chuyên môn trực thuộc vừa báo cáo Cục trưởng về một kế hoạch kiểm tra toàn bộ hiện trạng đấu nối trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh.

Theo giải pháp mà ông Hoài đưa ra, Cục QLĐB II và đơn vị trực thuộc sẽ mời UBND tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm các sở, ngành liên quan (Công an, GTVT), Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng cấp huyện-thị, chuyên viên địa chính của xã (nơi có doanh nghiệp đấu nối trái phép) tiến hành kiểm tra thời gian chính quyền cấp đất cho doanh nghiệp, quy trình đấu nối.

Đoàn sẽ do chính ông Hoài làm Trưởng đoàn, tuần tới sẽ cùng các đơn vị trên triển khai kiểm tra trên toàn tuyến. Đoàn sẽ phân định, kết luận cái nào của lịch sử để lại, cái nào mới vi phạm sau này để có hương xử lí.

Cục phó Cục QLĐB II cho biết, đối với các điểm đấu nối đang làm thủ tục, vướng mắc thì Cục sẽ hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục, kiến nghị tỉnh Bộ, Tổng cục hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để doanh nghiệp được đấu nối đúng luật.

"Đối với các trường hợp trước đây đã có biên bản xử lí, khi rà soát lại vẫn tiếp tục sai phạm, chắc chắn chúng tôi sẽ triển khai cưỡng chế. Quá trình cưỡng chế chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nên ngoài các đơn vị chức năng, địa phương, chúng tôi sẽ mời các báo, đài đến ghi hình, phản ánh, tuyên truyền", ông Hoài nói.

Phải làm đường gom

Theo Cục phó Cục QLĐB II, việc xử lí các doanh nghiệp chiếm dụng đất hành lang an toàn giao thông của tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh là trách nhiệm của Cục, Bộ GTVT.

Tuy nhiên, căn cơ của thực trạng này là UBND tỉnh Hà Tĩnh phải làm đường gom cho các doanh nghiệp mà tỉnh đã cấp đất.

Cục Quản lý đường bộ nói gì về thông tin “giơ cao đánh khẽ với doanh nghiệp”? - 4

Theo Cục Phó Cục QLĐB II, UBND tỉnh Hà Tĩnh có lỗi khi không làm đường gom cho doanh nghiệp

“Cái này rõ ràng là có lỗi của tỉnh. Đúng ra khi cấp đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án, tỉnh phải quy hoạch, làm đường gom cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ phải phối hợp bộ ngành làm đường như thế nào, điểm đấu nối đường gom ở vị trí nào cho phù hợp điểm giao cắt, đúng quy định.

Doanh nghiệp người ta đầu tư rất nhiều công sức, tiền của rồi, kinh doanh gặp khó khăn nên để doanh nghiệp phải đấu nối tự phát, biết sai vẫn làm là lỗi của tỉnh”- ông Hoài nói thêm.

Ông Hoài cho biết, sắp tới khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Cục QLĐB II sẽ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh phải quyết liệt xử lí đường gom cho doanh nghiệp để chấm dứt thực trạng đáng lo ngại nêu trên.

Văn Dũng