Cử tri và nhân dân lo lắng khi các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra
(Dân trí) - "Cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có quy định nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản".
Chiều 14/9, trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 8 năm 2022 của Quốc hội, ông Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện - cho biết cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có quy định nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Cử tri và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, phản ánh về tình trạng một số cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng bán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; tình trạng người lao động Việt Nam bị các đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ sang Campuchia; một số trường đại học đã công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 tăng mạnh so với các năm học trước; việc quản lý dữ liệu thông tin cá nhân người dùng điện thoại di động của các nhà mạng chưa đạt hiệu quả; tình trạng mua bán thông tin cá nhân.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng mức hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; đẩy mạnh chất lượng công tác dự báo thời tiết, phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại do tình trạng ngập úng xảy ra tại các đô thị và thành phố lớn trước những diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan.
Từ đó, cơ quan này đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có vi phạm; có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ lao động trái phép; có giải pháp căn bản giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị và thành phố lớn hiện nay.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường đại học cần có lộ trình tăng học phí phù hợp và có chính sách hỗ trợ đối với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn…
"Tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy"- ông Dương Thanh Bình nêu kiến nghị.
Góp ý về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại rất lớn về người và của trong thời gian vừa qua, gần nhất vụ cháy ở tỉnh Bình Dương khiến 32 người chết. Từ đó, bà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng - An ninh tái giám sát Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng cháy chữa cháy.
"Phải làm rõ tại sao có nghị quyết rồi mà tình hình cháy nổ vẫn không giảm như vậy"- bà Nga nêu quan điểm.
Tình hình khiếu kiện vẫn diễn biến phức tạp
Báo cáo của ông Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 8/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 7/2022. Tình hình khiếu kiện vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự.
Qua rà soát cho thấy, hiện vẫn còn 59 người khiếu kiện của 20 địa phương đang lưu trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là những vụ việc phức tạp, kéo dài và đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương tiếp, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
"Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, giải thích cho các công dân biết để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh việc vận động, thuyết phục các công dân trở về địa phương nhưng số công dân này tiếp tục ở lại Hà Nội để tập trung khiếu kiện đông người gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự"- ông Bình thông tin.
Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương. Đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.
.