Quảng Nam:
Cử tri bức xúc về tái định cư và ô nhiễm môi trường
(Dân trí) - Trong hai ngày 18 và 19/9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII đã họp phiên thứ 5. Trước kỳ họp này, hàng trăm cử tri của tỉnh đã gửi ý kiến bức xúc về tái định cư và ô nhiễm môi trường đến các đại biểu HĐND, đề nghị UBND tỉnh giải quyết.
Trong rất nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam, tái định cư (TĐC) vẫn luôn là vấn đề nóng nhất mà cử tri gửi gắm đến các đại biểu. Cử tri TP Hội An phản ảnh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Hội An nói riêng có một số dự án treo không thực hiện hoăc thực hiện dở dang mà không có khả năng tiếp tục nên đất đai bị bỏ hoang, trong khi đó dân thiếu đất sản xuất…
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Ngọc Quang - cho biết: Chủ trương của UBND tỉnh là kiên quyết thu hồi những dự án vi phạm cam kết, thời gian qua tỉnh đã thu hồi một số dự án chậm tiến độ.
Theo phản ảnh của 28 hộ dân thôn Trung Toàn (tại khu hành chính cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành), khu vực này trước đây có 114 hộ dân nhưng từ năm 2000-2009, hầu hết các hộ dân trong khu vực đã được giải tỏa di dời đến nơi ở mới nhưng những hộ này chưa có kế hoạch giải tỏa. Hiện các vùng đất xung quanh nơi ở của các hộ dân này đang triển khai xây dựng các công trình nên đời sống, sản xuất và đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2003, tỉnh đã thu hồi và giao đất để xây dựng khu hành chính cảng Kỳ Hà với diện tích gần 22ha. Đến nay đã thu hồi được 14,5ha, trong đó có 227 hộ bị ảnh hưởng. Hiện nay còn lại 30 hộ chưa triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng vì yêu cầu nguồn kinh phí lớn (trên 11 tỉ đồng). Do đó, tỉnh yêu cầu BQL khu kinh tế mở Chu Lai tiếp thu ý kiến cử tri, khẩn trương tìm nguồn vốn để thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dời dân đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.
Cử tri huyện Núi Thành cũng phản ảnh trên địa bàn xã Tam Quang còn một số hộ nằm trong quy hoạch treo làm hạn chế quyền sử dụng đất của nhân dân như mua bán, sửa chữa nhà ở… làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
BQL khu kinh tế mở Chu Lai cũng đã trao đổi với huyện Núi Thành về các dự án thực hiện dang dở trên địa bàn, thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ các quy hoạch xây dựng đã tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng để đảm bào giao thông kết nối liên khu vực và đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân trong khu vực.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng tiến hành rà soát, kiểm tra và đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu vực không còn phù hợp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân để BQL khu kinh tế mở Chu Lai xem xét điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Bức xúc nhất đối với vấn đề TĐC là người dân huyện Phước Sơn. Người dân phản ảnh công trình thủy điện Đắc My 4 đã cơ bản hoàn thành nhưng còn nhiều vấn đề chưa giải quyết như nhà ở TĐC xuống cấp, đền bù vùng bán ngập chưa được giải quyết cho dân…
Theo UBND huyện Phước Sơn cho biết, nhà ở tại khu TĐC dự án thủy điện Đắc My 4 đã bàn giao và sử dụng gần 5 năm nay và đã có một số nhà dân xuống cấp. BQL dự án thủy điện Đắc My 4 đã đóng góp 20 tỉ để sửa chữa và cam kết sẽ đóng góp thêm 10 tỉ nữa để sửa chữa vào cuối năm nay.
Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước… làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông, sản xuất và sinh hoạt cũng được người dân phản ảnh hàng trăm ý kiến đến HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã yêu cầu Sở TN-MT cùng các huyện có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây bức xúc trong nhân dân, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh biết kết quả.
Công Bính