1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An

Cử nhân “gác” bằng đi làm công nhân

(Dân trí) - Từng tốt nghiệp ĐH, CĐ sư phạm loại khá nhưng Nguyễn Cát Lượng và Nguyễn Thị Chung phải cất bằng đi làm công nhân kiếm sống. Cuộc sống chật vật, eo hẹp khiến 2 thầy cô giáo tương lai này không ít lần thấy xót xa cho những cố gắng của mình trước kia.

Cử nhân “gác” bằng đi làm công nhân
Không xin được việc đúng chuyên ngành của mình, Nguyễn Cát Lượng phải cất tấm bằng đại học để đi làm lễ tân khách sạn.

Nguyễn Cát Lượng (SN 1992) trắng trẻo, nom có vẻ thư sinh và hiền lành. “Em đã từng tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc nên đi làm thuê kiếm sống”, Lượng nói. Câu chuyện của Lượng khiến tôi tò mò. Và ngạc nhiên hơn khi biết em đã từng là một vận động viên trẻ của đội tuyển điền kinh Nghệ An và đã có thành tích trên đấu trường khu vực. Nguyễn Cát Lượng quê ở xã Nam Cường (Nam Đàn, Nghệ An), nhà có 3 chị em, bố mẹ đều là nông dân.

Từ nhỏ, năng khiếu điền kinh của Lượng đã được phát hiện và bồi dưỡng ở Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh Nghệ An. Năm 2011, Nguyễn Cát Lượng và đồng đội đã mang về 5 HCV, 7 HCB, 4 HCĐ cho đoàn VĐV điền kinh Nghệ An tại Giải điền kinh các lứa tuổi trẻ toàn quốc. Thành tích ấn tượng này đã giúp điền kinh Nghệ An lần đầu vươn lên đứng ở vị trí thứ 3 toàn đoàn, sau Hà Nội và TP.HCM. Trong bảng thành tích của Lượng còn có tấm HCV giải điền kinh trẻ Đông Nam Á 2010.

Với khả năng cũng như niềm đam mê dành cho môn thể thao tốc độ này, Nguyễn Cát Lượng đăng ký dự thi vào Trường ĐH Thể dục thể thao và đậu vào khoa huấn luyện điền kinh. Sau mấy năm miệt mài theo đuổi niềm đam mê của mình, tháng 11/2013, Nguyễn Cát Lượng tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá. Thế nhưng tấm bằng cử nhân huấn luyện điền kinh cùng với thành tích ấn tượng trước đó không giúp Lượng xin được công việc phù hợp với chuyên môn của mình.

Cử nhân “gác” bằng đi làm công nhân
Chàng cử nhân huấn luyện viên điền kinh của Trường ĐH Thể dục thể thao sống chật vật với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Sau mấy tháng đi xin việc, đầu năm 2014, Nguyễn Cát Lượng quyết định nộp hồ sơ xin việc vào một khách sạn với mức lương 3 triệu đồng/1 tháng. Số tiền đó chỉ đủ cho cậu con trai như Lương đủ trang trải với những nhu cầu thiết yếu nhất. Căn phòng trọ của Lượng chỉ rộng tầm chục m2, ngoài một chiếc giường ra thì trống hoác, không còn vật dụng gì khác. Trên chiếc bàn vừa làm bàn, vừa làm bếp với đủ loại chai lọ là bát mỳ tôm đang ăn dở.

“Khách sạn cho một bữa cơm, còn lại thì em tự lo. Bữa thì nấu ăn, bữa thì ăn mì tôm cho qua bữa để đạp xe 4 cây số đi làm. Em làm trái ngành nên cũng không dám đòi hỏi gì nhiều”, Lượng chia sẻ.

Hỏi Lượng về giấc mơ về những đường chạy, cậu chỉ cười buồn: “Em cũng không biết nữa. Mang cái bằng khá về nhưng không biết xin việc ở mô. Gõ cửa mấy nơi người ta không nhận nên phải cất bằng vào tủ và đi làm thuê để kiếm tiền nuôi thân. Có khi chẳng bao giờ được trở lại với đường chạy nữa”.

Hàng xóm với Lượng là Nguyễn Thị Chung (SN 1989, quê xã Nam Nghĩa, Nam Đàn), hiện là công nhân Công ty TNHH Matrix thuộc KCN Bắc Vinh (Tp Vinh, Nghệ An). Chung tốt nghiệp sư phạm công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An với bằng loại khá. Cũng như Lượng, hơn 1 năm ròng Chung cũng đi “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng không có kết quả.

Cử nhân “gác” bằng đi làm công nhân
Tổt nghiệp Cao đẳng sư phạm, ngành CNTT, Nguyễn Thị Chung phải cất bằng đi làm công nhân tại KCN Bắc Vinh.

“Lúc đầu nghe bạn bè giới thiệu, em sang Hà Tĩnh nộp hồ sơ nhưng người ta không nhận. Sau đó về Yên Thành, Nam Đàn nộp hồ sơ nhưng đều không có kết quả. Không xin được việc, ở nhà mãi cũng buồn nên em đi làm công nhân”, Chung kể.

Mức lương hiện tại của Chung là 2,6 triệu đồng/tháng, cũng tạm gọi là đủ ăn nếu biết thu vén chi tiêu. Thế nhưng nỗi buồn của Chung không phải ở chỗ đó. “Thỉnh thoảng về quê, gặp em, mọi người vẫn nghĩ em đi dạy về. Thậm chí có người còn chào “Đi trường về à?”. Nghe mà tủi thân chực rơi nước mắt. Bởi thế nên nhà không xa lắm nhưng em cũng ít khi về”, Chung tâm sự.

Cũng một phần vì chưa có công việc ổn định nên mặc dù Chung dạm ngõ đã 2 năm nhưng đám cưới vẫn chưa thể tổ chức. “Nhiều khi em nghĩ mà tủi thân lắm. Mình được tiếng là ăn học đến nơi đến chốn nhưng cũng quần quật trong xưởng như những người chỉ học hết cấp 2, thậm chí là cấp 1. Đi làm thì thôi, tối về nằm xuống lại nghĩ ngợi, thấy tiếc cho công sức mình đã bỏ ra”, Chung nói.

Chị gái Chung cũng đã tốt nghiệp ngành kế toán nhưng vẫn chưa có việc làm. Và tương lai, cô em gái đang học ĐH Vinh cũng có khả năng chịu chung số phận như hai người chị của mình.

Bao năm ăn học, tốn kém không ít tiền bạc của gia đình và sự phấn đấu của bản thân nhưng hiện nay không ít cử nhân cao đẳng, đại học đang phải cất tấm bằng của mình vào ngăn tủ để “đầu quân” cho các công ty, các khu công nghiệp để đổi lấy những đồng lương còm cõi. Một nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị lãng phí hay ngành chức năng chưa có chiến lược lâu dài cho bài toán đào tạo ngành, nghề gắn với nhu cầu thực tế của xã hội?

Hoàng Lam