1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

TPHCM:

CSGT nói về nỗi lo "sợ lây nhiễm bệnh khi thổi máy đo nồng độ cồn"

(Dân trí) - “Lực lượng CSGT chúng tôi được trang bị đầy đủ ống thổi nên người dân không cần lo lắng, sợ việc lây nhiễm. Khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, mỗi ống thổi chỉ dùng cho một người và dùng xong sẽ được huỷ” - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TPHCM cho biết.

Thông tin đến báo chí sau khi Nghị định 100/2019 NĐ-CP có hiệu lực, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM cho biết, đơn vị đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ về việc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, trường hợp đã sử dụng rượu, bia thì tuyệt đối không được phép điều khiển phương tiện.

CSGT nói về nỗi lo sợ lây nhiễm bệnh khi thổi máy đo nồng độ cồn - 1

CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế.

“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm trường hợp là cán bộ, chiến sỹ uống rượu, bia mà tham gia giao thông trên đường”, Thượng tá Phong khẳng định.

Tính đến ngày 6/1, Phòng PC08 đã xử phạt trên 2.000 trường hợp, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý gần 200 trường hợp. Cụ thể, 10 trường hợp ô tô, 190 xe máy, trong đó vi phạm của ô tô ở mức 1 (6-8 triệu đồng), tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng.

Khi được hỏi những khó khăn trong việc đo nồng độ cồn theo nghị định mới, đại diện Phòng PC08 cho biết, các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông đã được đơn vị triển khai từ nhiều năm qua.

Theo đó, lực lượng CSGT vừa triển khai kiểm tra nồng độ cồn và song song đó là công tác tuyên truyền nên việc xử phạt 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt theo nghị định mới không gặp trở ngại, hầu hết người dân đều chấp hành. Nếu tài xế không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất.

Không sợ lây nhiễm bệnh khi thổi nồng độ cồn!

Về việc người dân sợ bị lây nhiễm bệnh khi thổi nồng độ cồn, Thượng tá Phong khuyên người dân không nên lo sợ về điều này. “Lực lượng CSGT chúng tôi được trang bị đầy đủ ống thổi nên người dân không cần lo lắng, sợ việc lây nhiễm. Khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, mỗi ống thổi chỉ dùng cho một người và dùng xong sẽ được huỷ”, Thượng tá Phong nói.

Riêng về máy đo nồng độ cồn, đại diện Phòng PC08 cũng cho biết các thiết bị này được cơ quan chức năng trang cấp và đã được kiểm định đảm bảo an toàn kỹ thuật nên chuẩn về các chỉ số lẫn thông tin.

CSGT nói về nỗi lo sợ lây nhiễm bệnh khi thổi máy đo nồng độ cồn - 2
Thượng tá Phong cho biết việc kiểm tra nồng độ cồn là để người dân chấp hành pháp luật, bảo vệ bản thân chứ không phải để thu tiền phạt

Hiện nay, Phòng PC08 đã áp dụng đo nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế. Cụ thể, người tham gia giao thông khi được dừng phương tiện sẽ nói chuyện với lực lượng chức năng trong vài giây để xác định có nồng độ cồn hay không.

Trường hợp người tham gia giao thông không có nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ cảm ơn, xin lỗi và mời tiếp tục lưu thông; nếu có nồng độ cồn thì người điều khiển phương tiện sẽ được mời vào để tiến hành đo lấy chỉ số làm căn cứ áp dụng mức xử phạt.

“Mục đích của việc kiểm tra nồng độ cồn là giúp người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật tốt hơn và tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông chứ không phải để thu tiền phạt”, Thượng tá Phong nhấn mạnh.

Hoàng Thuận