Cột khói khổng lồ ở Hà Nội nằm giữa khu chung cư cao tầng, cách nhà dân 15m
(Dân trí) - Hà Nội có chủ trương di dời các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành từ nhiều năm nay, nhưng nằm giữa khu dân cư đông đúc ở quận Hoàng Mai vẫn tồn tại công ty dệt xả khói đậm đặc.

Thời gian qua, người dân phường Mai Động (quận Hoàng Mai) rất bức xúc trước việc Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội (gọi tắt là Công ty Dệt Hà Nội) xả khói thải đậm đặc, mùi khét lẹt ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, cột khói của Công ty Dệt Hà Nội cao 40-50m, nằm giữa khu dân cư đông đúc với hàng loạt tòa chung cư cao tầng.

2-3 ngày gần đây, cột xả thải này không bốc khói cuồn cuộn nhưng vẫn âm ỉ.
Được biết, Công ty Dệt Hà Nội là doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1967, trực thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex). Đơn vị này chuyên sản xuất các loại vải mành, vải bạt, vải địa kỹ thuật,… phục vụ nhiều lĩnh vực như thủy lợi, giao thông, xây dựng, môi trường, may mặc, giày da.

Cột khói nằm sát vách với hàng loạt nhà dân tại ngõ 1, phố Tân Khai và ngõ 13 đường Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Ngô Hạnh (sống tại ngõ 1, phố Tân Khai) cho biết, cột khói thường bốc lên cuồn cuộn vào khoảng 3-4h những ngày cuối tuần.
"Nhà máy này một tháng thường xả khói khoảng 3-4 lần vào rạng sáng những ngày cuối tuần nhưng thời gian gần đây tần suất nhiều hơn và xả cả ban ngày", chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, năm 2017 người dân đã có cuộc họp với Công ty Dệt Hà Nội để phản ánh tình trạng ô nhiễm. Khi đó, đại diện nhà máy cam kết di dời trong vòng 3-5 năm nhưng đến nay đã 8 năm vẫn "y nguyên".

Quan sát từ trên cao, nhiều mái tôn của Công ty Dệt Hà Nội đã xuống cấp, hoen gỉ.

Mặt trước của Công ty Dệt Hà Nội nằm trên trục đường Lĩnh Nam, phía sau là khu tập thể của công ty và khu đô thị Sóng Hoàng. Trong khi các công ty như Dệt 8-3, Chỉ khâu, Sợi Hà Nội… đã được di dời, thì Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội vẫn "án binh bất động" nhiều năm qua.


Phần mái tôn nằm cạnh cột khói đã hoen gỉ, thủng lỗ chỗ.

Nhà chị Nguyễn Thị Chanh (48 tuổi), nằm sát vách nhà máy, cách ống xả khói khoảng 15m.
"Nhiều đêm đang ngủ ngon, máy móc ở cột khói bất ngờ hoạt động kêu rầm rầm chẳng khác nào động đất khiến vợ chồng tôi giật mình tỉnh giấc. Những ngày hè, khi nhà máy xả khói mùi khét bốc lên nồng nặc, nhà tôi luôn phải đóng kín cửa. Nhiều hôm nặng mùi quá vợ chồng tôi phải đi thuê nhà nghỉ để ở tạm", chị Chanh bức xúc nói.


Chiều 14/3, có một nam công nhân kiểm tra hệ thống bơm nước, bể nước của Công ty Dệt Hà Nội. Theo quan sát của phóng viên, các ống nước trên mặt bể đã hoen gỉ, thành bể nước cỏ dại, rêu mọc tốt um tùm.

Đứng trước chung cư New Horizon City (số 87 đường Lĩnh Nam) có thể quan sát rõ cột xả khói của Công ty Dệt Hà Nội.

Ngõ 1 phố Tân Khai có hàng chục hộ dân sinh sống, cột xả khói của Công ty Dệt Hà Nội nằm ngay cạnh khiến người dân luôn sống trong tâm trạng lo lắng.
"Trong ngõ này có nhiều người bị bệnh liên quan đến phổi, chúng tôi mong muốn nhà máy sớm được di dời để đảm bảo môi trường sống cho mọi người", bà Thu Lan (sống tại ngõ 1 phố Tân Khai) bày tỏ.

Nhiều thiết bị ngoài trời của Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội đã hoen gỉ.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và quá tải hạ tầng, Hà Nội đã quyết định di dời các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành theo "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.
Mục tiêu của đề án này là cải thiện chất lượng không khí và tạo ra không gian sống xanh, sạch, đẹp cho người dân. Theo kế hoạch, nhiều cơ sở công nghiệp cũ sẽ được di dời đến các khu công nghiệp nằm ở các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Gia Lâm, và Đông Anh.

Quanh cột khói khổng lồ của Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội có hàng loạt các chung cư cao tầng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàng Mai và đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) tại Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội. Ông Thanh yêu cầu các cơ quan báo cáo kết quả xử lý trước ngày 20/3.