1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Công nhân thất nghiệp đi đâu?

(Dân trí) - Thị trường lao động phổ thông tại TPHCM trong 2 tháng gần đây đang diễn biến theo một xu hướng rất lạ: nhiều công nhân bị thất nghiệp, nhưng doanh nghiệp chẳng tuyển được người.

Công nhân thất nghiệp đi đâu? - 1

Bên cạnh những doanh nghiệp phải giải thể, thải công nhân vì không bán được hàng thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn được, cần tuyển thêm công nhân mà... không được.
 
Doanh nghiệp không tuyển được người

 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM thì đến ngày 21/5, toàn TP có gần 22 ngàn lao động bị mất việc và gần 17 ngàn lao động thiếu việc làm tại 192 doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 nêu một con số rất cụ thể: “Sau đợt thống kê dân số ngày 1/4/2009, quận 7 giảm khoảng 5.000 lao động nhập cư so với năm 2008”. Như vậy, hiện tượng công nhân mất việc hàng loạt là có và không chỉ dừng ở những con số thống kê của các cơ quan chức năng.

 

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là tại các công ty kinh doanh ngành may mặc, da giày lớn tại TPHCM trong hai tháng qua không tuyển được công nhân.

 

Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Ban quản lý khu lưu trú Tân Thuận kể: “Có công ty cho cả ngàn công nhân tạm nghỉ chờ việc, khi quay lại khu lưu trú và các khu trọ tìm thì không còn ai. Công nhân đều đã tìm việc khác để duy trì cuộc sống. Công ty cũng cử người về tận các vùng quê miền Tây mà cả hai tháng nay cũng chỉ mới tuyển được hơn 100 công nhân”.

 

Anh Hiếu, phụ trách chăm sóc khách hàng của mạng việc làm Chonviec, cho biết: “Trên mạng Chonviec hai tháng qua lượng doanh nghiệp cần tuyển lao động phổ thông rất cao nhưng tìm mãi vẫn chẳng được là bao. Một phần là do lương thấp, một phần là họ đòi hỏi phải có tay nghề, chuyên môn”.

 

Anh còn kể: “Khi tôi chăm sóc khách hàng là cán bộ phụ trách nhân sự, có chị khóc lóc vì bị sếp chửi là tuyển có mấy công nhân mà tuyển không ra thì làm tuyển dụng kiểu gì?”…

 

Công nhân đi đâu?

 

“Do khó khăn nên một số lượng lớn công nhân ngoại tỉnh đã hồi hương; đặc biệt là công nhân các tỉnh miền Trung. Nếu ai có cơ sở kinh tế tại quê nhà như có ruộng đất, nghề nghiệp thì họ sẽ ở lại, không vào TP nữa. Chỉ những ai ở quê không làm được gì mới vào lại TP thôi”- ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết.
 
Công nhân thất nghiệp đi đâu? - 2

Không ít công nhân thất nghiệp gia nhập đội ngũ bán hàng rong và không muốn quay trở lại nghề cũ.

Theo ông Danh thì các công nhân ngoại tỉnh hay làm theo nhóm đồng hương. Một nhóm vài người về quê thì có khi cả nhóm cùng về theo. Khảo sát của LĐLĐ TP tại Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy: có 5.000 công nhân người Thanh Hóa và 3.000 công nhân Nghệ An đã ở lại quê làm ăn sau dịp tết Kỷ Sửu.

 

Đồng ý với ông Danh về nguyên nhân trên, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM phân tích thêm, công nhân bỏ việc do thu nhập giảm sút tự chuyển đổi sang các nghề khác, chủ yếu là làm dịch vụ, bán hàng rong…

 

Ông cũng cho là có những công ty làm ăn khó khăn thì thải công nhân. Trong khi đó, vẫn có nhiều công ty có nhiều đơn hàng, phải tuyển thêm công nhân. Đó là lý do vì sao trên 70% công nhân mất việc đều tìm được việc làm.

 

Ngoài những lý do trên, ông Trương Lâm Danh cũng búc xúc vì tình trạng các doanh nghiệp đang “thay máu nhân công”. Theo ông, công nhân lâu năm được hưởng lương cao hơn do mức thâm niên; chủ doanh nghiệp sẽ lấy cớ suy thoái kinh tế để thải nhân công có thâm niên trong một số khâu đơn giản, tuyển người mới để trả lương thấp hơn.

 

Thực chất mức lương của công nhân có thâm niên và công nhân mới chỉ chênh nhau 1, 2 trăm ngàn. Nhưng đối với doanh nghiệp hàng ngàn công nhân thì số tiền thâm niên phải trả hàng tháng cũng không nhỏ.

 

Ông Danh suy đoán: “Với tình hình này, khi kinh tế phục hồi trở lại, đơn hàng tăng cao thì doanh nghiệp buộc phải tuyển người. Nhưng vì khó tuyển người mới, họ buộc phải tuyển lại công nhân cũ đã sa thải. Từ đó, có khả năng sẽ xảy ra tình trạng bất ổn khó kiểm soát do đấu tranh lợi ích giữa công nhân và doanh nghiệp”.

 

Tùng Nguyên