1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công khai 109 trường hợp, dự án ở Thanh Hóa vi phạm pháp luật đất đai

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh Hóa hiện có 109 trường hợp, dự án đang vi phạm pháp luật đất đai và 12 trường hợp, dự án đăng công khai vi phạm pháp luật đất đai đã khắc phục xong vi phạm.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo về việc công khai thông tin vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh này.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy có 109 trường hợp/dự án đang vi phạm pháp luật đất đai và 12 trường hợp/dự án đăng công khai vi phạm pháp luật đất đai đã khắc phục xong vi phạm.

Công khai 109 trường hợp, dự án ở Thanh Hóa vi phạm pháp luật đất đai - 1

Thanh Hóa đang có 109 trường hợp, dự án vi phạm pháp luật đất đai (Ảnh: Trần Lê).

Trong khi đó, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho thấy, Công ty TNHH Dương Xuân đã không đưa trên 5.940 m2 đất tại phường Lãm Hà, quận Kiến An vào sử dụng để xây dựng văn phòng, xưởng sửa chữa phương tiện vận tải thủy theo đúng tiến độ.

Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Ngân Hà đã không đưa 7.450 m2 đất tại xã Đồng Thái, huyện An Dương vào sử dụng để xây dựng nhà ở thương mại theo đúng tiến độ.

Vì thế, UBND TP Hải Phòng vừa ban hành hai quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với trường hợp vi phạm đất đai do chậm đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai nêu trên.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thập Nhất Phong (Auto) đang vi phạm pháp luật về đất đai, căn cứ theo Kết luận thanh tra số 143/KL của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp.

Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỉnh này mới đây đã ban hành quyết định cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Long Phụng gia hạn 24 tháng tiến độ sử dụng diện tích 37.130 m2 để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng tại Khu công nghiệp La Son, xã Lộc Son, huyện Phú Lộc.

Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế xác định khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất mà công ty này phải nộp cho Nhà nước trong thời gian gia hạn 24 tháng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh được giao giám sát tiến độ đầu tư, xây dựng để đôn đốc, hỗ trợ công ty này thực hiện các thủ tục, xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

- Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

- Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

- Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

- Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

- Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

- Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

- Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

- Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.