1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại Thanh Hóa

Trần Lê

(Dân trí) - Trước tình trạng sạt lở đe dọa đến hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở huyện Thạch Thành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 3 và số 4 trong tháng 9, trên địa bàn huyện Thạch Thành xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài.

Tình trạng này kéo dài khiến nhiều vị trí sườn núi tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Trực, Thành Yên xuất hiện vết nứt rộng, tạo thành các cung trượt.

Tại một số vị trí đất sạt lở đã tràn xuống công trình, nhà ở của người dân, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu vực.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại Thanh Hóa - 1

Đồi Bá Đàn ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) xuất hiện vết nứt lớn (Ảnh: Hoàng Dương).

Cơ quan chức năng Thanh Hóa dự báo trong thời gian tới, đặc biệt khi có mưa lớn, tình hình sạt lở còn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Cụ thể, tại thôn Đồng Thành, xã Thành Yên, hiện nay núi đất phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân xuất hiện một cung sạt với chiều dài khoảng 120m, đỉnh cung sạt bị tụt so với vị trí ban đầu khoảng 1,2m, chiều rộng khe nứt lớn nhất khoảng 45cm.

Tại các thôn Chính Thành, Định Thành và Ngọc Nước (xã Thành Trực) có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 410m.

Tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân cũng xuất hiện 3 vị trí nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 300m.

Tình trạng sạt lở tại các địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến 54 hộ/188 nhân khẩu. Tình trạng sạt lở cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến Tỉnh lộ 523.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thạch Thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền khi có các tình huống phát sinh, nguy hiểm xảy ra.

 Chính quyền địa phương cũng cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động biện pháp ứng phó; tiếp tục hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

"Tuyệt đối không để người dân trở lại sinh sống khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là khi có mưa lớn xảy ra", chính quyền tỉnh yêu cầu.

Tỉnh cũng giao huyện Thạch Thành cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h tại khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, không để người, phương tiện và vật nuôi đi vào khu vực nêu trên; kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở…

Về các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn lâu dài, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở và xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo ổn định lâu dài.