1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Còn thiếu điện thì đừng “mơ” công nghiệp hóa

(Dân trí) - Thiếu điện trầm trọng thế này thì làm sao tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Chính phủ có "nuông chiều" ngành điện không, chúng ta thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?... hàng loạt câu hỏi được đặt ra với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trong viên chất vấn sáng 12/6.

Còn thiếu điện thì đừng “mơ” công nghiệp hóa - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Việt Hưng).
 
Có nuông chiều ngành điện?
 
Vấn đề “dân sinh” nhất hiện nay là tình trạng thiếu điện, dẫn đến cắt điện tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân khiến cả 3 đại biểu đầu tiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đều đặt câu hỏi về điện.
 
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) hỏi : Đâu là nguyên nhân cơ bản của thiếu điện? Chúng ta thiếu tiền hay thiếu quyết tâm? Thiếu điện, cắt điện triền miên thế này làm sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa được?
 
Còn thiếu điện thì đừng “mơ” công nghiệp hóa - 2
Đại biểu Lê Văn Cuông: ngành điện có được nuông chiều? (ảnh: Việt Hưng)
 
Rất bình tĩnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, chúng ta có nỗ lực cao trong việc phát triển ngành điện, tăng trưởng ngành điện mỗi năm đều ở mức 13 - 14%. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, có nguyên nhân chủ quan như cơ chế, quan hệ giữa nhà đầu tư và bên mua điện (tập đoàn điện lực - PV) chưa được giải quyết tốt; mức tiêu hao của ngành điện còn cao…
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc chậm đổi mới thiết bị sử dụng điện trong tiêu dùng, sản xuất khiến chúng ta bị “ngốn” khá nhiều điện. Việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất còn yếu.
 
“Các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế 1% chỉ cần tăng trưởng về điện bằng 1 thậm chí 0,8% là đủ nhưng ở ta tăng trưởng điện tới 13 - 14% vẫn chưa đủ”, Phó Thủ tướng lý giải.
 
Chưa hài lòng, đại biểu Ngô Văn Minh một lần nữa chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng thiếu điện hiện nay: “Nguyên nhân dự báo cung - cầu chưa chính xác là cơ bản nhất. Ngoài ra, việc Tập đoàn điện lực Việt Nam không chịu mua điện giá cao của các đơn vị ngoài ngành cũng dẫn tình trạng thiếu điện thêm trầm trọng”.
 
Theo ông Minh, nếu chúng ta không khẩn trương xây dựng công trình điện, 20 năm nữa vẫn thiếu điện thì làm sao nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa được.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt câu hỏi, tại sao nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào ngành điện? Tại sao ngành điện không hoạt động theo cơ chế thị trường? Phó Thủ tướng thừa nhận, sự phối hợp giữa nhà sản xuất và ngành điện chưa tốt. Từ nay đến cuối năm, khắc phục việc thiếu điện là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, của ngành điện. Việc sản xuất và phân phối điện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Văn Cuông về việc liệu Chính phủ có quá nuông chiều ngành điện? Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong những cuộc họp vừa qua, Thủ tướng đã rất quyết liệt, việc chậm phát triển ngành điện cũng được Thủ tướng đề cập và kiểm điểm.
 
Bao giờ “cai” được… ODA?
 
Đề cập đến vấn đề vốn vay ưu đãi ODA, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tỏ ý lo ngại về việc chúng ta vay nhiều quá. Ông Quốc dí dỏm so sánh việc vay ODA cũng giống như đứa trẻ đi bú nhờ hàng xóm.
 
“Việc vay vốn là cần thiết nhưng phải coi là nhất thời, phải chấm dứt càng sớm càng tốt để khẳng định vị thế quốc gia. Chính phủ đã tính cai ODA chưa? Bao giờ cai?, vị đại biểu đầu ngành về sử học hỏi.
 
Còn thiếu điện thì đừng “mơ” công nghiệp hóa - 3
Đại biểu Dương Trung Quốc: Bao giờ Việt Nam "cai" được ODA? (ảnh: Việt Hưng)
 
Phó Thủ tướng thừa nhận xét về góc độ kinh tế thì việc vay ODA quả là giống... bú nhờ nhưng tính chung vẫn có lợi. Việt Nam phải tận dụng khoản vay này khi chưa có điều kiện. “Chúng ta có lộ trình chiến lược đến 2020, 2030 và hơn thế vì phải tính bài trả nợ”, Phó Thủ tướng nói.
 
Đưa ra cái nhìn khá mới mẻ về việc cho thuê đất rừng, ông Dương Trung Quốc nhìn nhận vấn đề dưới góc độ vai trò của cán bộ, có cán bộ nào không có kiến thức về an ninh quốc phòng không? Việc vận dụng một cách cố ý kẽ hở của pháp luật trong vụ việc này cần được xem xét như thế nào?
 
Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiến hành điều tra, xem xét một cách đầy đủ trên cả nước để tổng hợp, tính toán lại và có chủ trương mới. Chính phủ và Thủ tướng rất nghiêm túc trong vấn đề này.
 
Trong phần báo cáo trước chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã kết luận về việc cho thuê đất rừng và yêu cầu tạm dừng cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thuê đất trồng rừng. Kể cả các địa phương đã cấp phép thì tạm dừng giao đất.
 
Đề cập đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi “xoáy”, sau khi nghe Bộ trưởng GTVT trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc không?
 
Phó Thủ tướng khẳng định mình “yên tâm” với dự án này đồng thời cung cấp một loạt số liệu để chứng minh tính khả thi khi huy động vốn của dự án. Theo Phó Thủ tướng, với đà tăng trưởng hiện nay, GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên đến 20.000 USD (hiện đang ở mức 1.200 USD). Nếu lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020 ta có thể vay 150 tỷ USD mà vẫn an toàn.
 
Nguyên Đức