Con đường "đau khổ" hơn 40 năm tuổi bao giờ mới được sửa chữa?
(Dân trí) - Hơn 40 năm được đưa vào sử dụng, khi hư hỏng chỉ được sửa chữa, nâng cấp nửa vời, trong khi xe tải thường xuyên lưu thông khiến tỉnh lộ 532 ở Nghệ An xuống cấp thảm hại, người dân "kêu cứu".
Dân kêu trời vì con đường "đau khổ"
Được đầu tư xây dựng từ năm 1980, tỉnh lộ 532 dài hơn 28km, điểm đầu ở ngã ba xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), nối ra quốc lộ 48C.
Đây được xem là đường huyết mạch của hàng nghìn hộ dân và phục vụ việc vận chuyển khoáng sản. Mỗi ngày, con đường "cõng" cả trăm lượt xe tải chở đá.
Sau hơn 40 năm, tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn "nát bét".
Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa bùn đất lầy lội khiến người và phương tiện lưu thông khó khăn. Một số đoạn đã được đổ bê tông, tuy nhiên cũng xuống cấp, đứt gãy.
"Ngày nào bà con cũng có việc ra trung tâm huyện để giao thương, đi trên cung đường này rất khổ sở. Nắng thì bụi không thấy đường, mưa thì bùn lầy lội, ổ voi, ổ trâu xuất hiện dày đặc.
Hằng ngày, tỉnh lộ này có nhiều xe tải chở đá lưu thông. Nhiều lần xe xuống dốc nghiêng, những hòn đá lớn lăn từ trên thùng xuống khiến chúng tôi khiếp sợ. Chúng tôi mong sớm được làm lại hoặc sửa chữa con đường để đi lại, phát triển kinh tế. Khổ nhất là các em học sinh đi lại trên tỉnh lộ 532 như đánh cược tính mạng. Nhiều hôm các cháu đi học bị trượt ngã xước hết tay chân…", chị Lương Thị Vân (trú xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) chia sẻ.
Ông Lang Văn Hanh, Chủ tịch UBND Châu Tiến, cho biết, hàng ngày tỉnh lộ này phải oằn mình "cõng" cả trăm lượt xe tải chở đá từ các mỏ về xưởng, nên con đường gần như không còn chỗ nào lành lặn.
"Tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn xã đã xuống cấp nghiêm trọng và xảy ra nhiều vụ tai nạn. Đặc biệt vào mùa mưa các cháu đi học rất khổ vì đường xuống cấp quá", ông Lang Văn Hanh cho biết.
Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, cho biết, tỉnh lộ 532 đoạn qua địa bàn xã từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm qua, người dân, chính quyền địa phương liên tục phản ánh, kiến nghị lên cấp trên để có phương án sửa chữa, đầu tư lại con đường cho nhân dân đi lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con đường này không những chưa được sửa mà còn hư hỏng nhiều hơn.
"Từ năm 2000 đến nay, tỉnh lộ 532 qua địa bàn xã chúng tôi hầu như không được sửa. Năm 2021-2023, chúng tôi vận động các doanh nghiệp bỏ tiền, đá để đổ lại một số vị trí hư hỏng cho dễ đi. Hiện nhiều đoạn "ổ voi, ổ gà" rất khó đi", ông Hóa nói.
Không có kinh phí sửa đường?
Đại diện Ban quản lý bảo trì đường bộ, Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết, vừa qua trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện, tỉnh, cử tri dọc tuyến tỉnh lộ 532 có ý kiến nhiều.
Tuyến đường ngoài phục vụ đi lại của nhân dân còn phục vụ vận chuyển đá của các mỏ 2 bên tuyến. Do đó, có nhiều đoạn mặt đường bị xuống cấp cần sửa chữa, hệ thống an toàn giao thông và thoát nước chưa đồng bộ.
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, bổ sung biển báo đảm bảo an toàn giao thông.
Trong phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII ngày 6/7, đại biểu Vi Văn Quý, đơn vị huyện Quỳ Hợp trình bày tính cấp thiết cần phải quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 532 đi qua 5 xã (Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng và Châu Thành) của huyện Quỳ Hợp và đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành lưu tâm.
Theo ông Vi Văn Quý, tỉnh đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nội dung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, giao thông đóng vai trò rất quan trọng, là động lực cho sự phát triển. Song thực trạng xuống cấp của tỉnh lộ 532 trở thành một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của các địa phương trên.
Mặt khác, tuyến đường này đi qua 5/21 xã, thị trấn, chiếm gần 1/4 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Vì tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nên đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tâm lý và an toàn của người dân.
Ông Quý cho rằng, các xã có tuyến đường 532 đi qua là "rốn" của thủ phủ khoáng sản. Hàng năm, các xã này đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách tỉnh từ việc thu thuế khai thác khoáng sản. Chưa kể đến một số quy định, địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản thì phải điều tiết nguồn lực để phục vụ an sinh xã hội ở địa phương đó theo quy định.
Cũng theo ông Quý, hàng năm mặc dù đã điều tiết sử dụng nguồn duy tu bảo dưỡng 2-3km. Tuy nhiên, với chiều dài của tuyến đường là 28,5km, nếu chỉ trích kinh phí từ nguồn duy tu bảo dưỡng phải mất hơn 9 năm mới hoàn thành, chưa kể bảo dưỡng đến điểm cuối thì điểm đầu đã hư hỏng.
"Nhân dân đã mòn mỏi, trông chờ hàng chục năm nay và tại các cuộc tiếp xúc cử tri vấn đề này được nhắc đến rất nhiều lần", ông Quý bày tỏ.
Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, đồng ý về thực trạng xuống cấp của tuyến đường 532, trong số 28,5km của tuyến đường có gần 20km xuống cấp nghiêm trọng.
Song ông Hiền chia sẻ, hiện Sở quản lý 49 tuyến đường tỉnh, tổng chiều dài 942km, trong đó có 197km hư hỏng, nên việc duy tu, bảo dưỡng gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay.