Cố tình "biến hóa" biển số ô tô: Có nên xử lý như một tội hình sự?
(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi vẽ, dán để giả mạo biển số xe cần được xem xét, xử lý như một tội hình sự. Bởi việc này về bản chất chính là vu khống người khác, gây cản trở điều tra của cơ quan chức năng.
Vừa qua, Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc lưu ý kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số trên BKS phương tiện; gắn thiết bị làm thay đổi biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng...
Cũng trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã ra quân, xử lý rất nhiều trường hợp thay đổi biển kiểm soát, dán, vẽ biển số... nhằm né phạt nguội. Điển hình như ngày 16/9 vừa qua, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục Cảnh sát giao thông) đã lập biên bản xử phạt 4 tài xế điều khiển ô tô che biển số, né phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tại cơ quan công an, các tài xế này khai nhận đã dán, che biển số nhằm chạy tốc độ cao trên cao tốc và để né phạt nguội khi bị phát hiện.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục CSGT cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm trên, đã bị Đội 1 lập biên bản xử phạt với lỗi "Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển". Với lỗi trên, các tài xế sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Dư luận cho rằng mức phạt trên là quá nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả của hành vi và không đủ sức răn đe đối với các tài xế, chủ xe vi phạm.
Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật - nhận định, thực trạng tẩy xóa, che nhằm "biến hóa" biển số xe là một trong những thói xấu nhất của lĩnh vực giao thông đang ăn sâu bám rễ, lan tràn trong cộng đồng xã hội.
Theo luật sư Bình, hành vi này đang ngày càng gây ra nhiều hệ lụy phức tạp. Không ít chủ xe bỗng dưng nhận được thông báo nộp phạt nguội do vi phạm luật giao thông dù địa điểm, thời gian bị ghi hình, xe không hoạt động. Có trường hợp bị xử phạt oan ở địa phương cách xa hàng trăm cây số, khi chủ xe đi đăng kiểm mới biết.
Luật sư nhìn nhận, trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phổ biến như hiện nay, việc gây tai nạn rồi cố tình bỏ trốn có thể ngay lập tức bị đưa lên các diễn đàn để lên án, khiến chủ nhân của những chiếc xe bị giả mạo biển số trong các vụ tai nạn lâm vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí gặp rắc rối với cơ quan pháp luật.
Ông Bình cho rằng, việc giả mạo biển số, gây họa cho người khác đã lây lan từ chủ ô tô bình dân đến cả xe sang chục tỷ. Ban đầu chỉ có người che, xóa, giả mạo biển số khi đi trên cao tốc, nay những chiếc xe cố tình gây nhầm lẫn cho cơ quan chức năng đã xuất hiện nhan nhản hàng ngày ở khắp nơi.
Hành vi che, xóa, giả mạo biển số đã bị tăng nặng mức phạt lên 5 - 6 lần kể từ khi Nghị định 123/2021/NĐ-CP được ban hành.
"Theo quy định trong Nghị định 123, người điều khiển ô tô cố tình che, xóa làm thay đổi biển số xe sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn chưa cho thấy hiệu quả cao trong răn đe, ngăn ngừa hành vi giả mạo biển số. Người dân vẫn mong mỏi phải có thêm những hình phạt nghiêm khắc hơn", luật sư Bình nhận định.
Cũng theo luật sư, Bộ Công an, Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ có thêm hình thức xử phạt đối với những người cố tình thực hiện hành giả mạo để đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
"Cụ thể, đối với hành vi vẽ, dán để giả mạo biển số xe khác cần được xem xét, xử lý như một tội hình sự, phạt tù người vi phạm. Bởi việc làm này về bản chất chính là vu khống, bôi nhọ, xúc phạm người khác, cũng như gây cản trở quá trình điều tra của cơ quan chức năng", luật sư nói thêm.