1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Có tiền thoát án tử hình là không nghiêm với tội tham ô”

(Dân trí) - “Bộ luật Hình sự sửa đổi yêu cầu người bị án tử hình phải chủ động khắc phục hậu quả của mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Như vậy, có tiền thôi án tử hình là không nghiêm đối với tội tham ô, hối lộ”, đại biểu Lê Đắc Lâm nói về việc không tử hình một số trường hợp.

Ngày 30/10, tại hội trường, Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Tại đây, các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc không thi hành tử hình với một số trường hợp, trong đó có tội tham ô tài sản và tội nhận hội lộ. Trong buổi thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, đây là hai tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Người phạm tội sẵn sàng bỏ tiền để tránh ngồi tù

Đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) đồng tình với quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội ít nghiêm trọng nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội. Nhưng đối với một số tội liên quan đến lợi ích kinh tế, chưa được đại biểu Hùng thống nhất cao.

“Đặc trưng của loại tội phạm kinh tế nhằm trục lợi cho bản thân, thu lợi bất chính với số tiền lớn, như các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Người phạm tội sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để nộp phạt trong khi đó việc chứng minh người phạm tội thu nhập bất chính rất khó khăn. Và người phạm tội sẵn sàng tiếp tục phạm tội. Do vậy, nếu cho họ nộp tiền tránh phải chịu hình phạt tù là không hợp lý. Điều đó, không bảo đảm tính răn đe của Bộ luật Hình sự”, đại biểu Hùng phân tích.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) nói về việc không tử hình một số trường hợp
Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) nói về việc không tử hình một số trường hợp

Theo đại biểu Hùng, nếu quy định này được thực thi sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn trong pháp luật, dễ bị lạm dụng. Nhà nước có thể thu được một số tiền cho ngân sách nhưng hậu quản pháp lý cho các tội xâm phạm trật tự quản lý gây ra rất khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được như các tội phá rừng, trốn thuế. Do vậy, đại biểu đề nghị không quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cũng đề nghị vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đối với người phạm tội mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Vì đây là hai tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng.

“Thời gian qua một số đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao đã phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn tài sản của nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân. Nên vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội này là cần thiết. Sẽ có tác dụng răn đe và sự quyết tâm cao của Đảng và nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, đại biểu Hương nêu ý kiến.

Về việc không thi hành tử hình với một số trường hợp khác, được quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 40, dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, với yêu cầu người bị án tử hình phải chủ động khắc phục cơ bản hậu quả tội của mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, được đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) nhận định, có tiền thôi án tử hình là không nghiêm đối với tội tham ô, hối lộ.

“Hiểu như thế nào là khắc phục cơ bản hậu quả? Đây là một cụm từ xác định hậu quả tham nhũng rất trừu tượng, dễ dẫn đến lợi dụng trong việc chạy án. Chúng ta đều biết, kẻ tham nhũng chuyển hóa tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức rất tinh vi, chỉ cần gia đình họ bỏ ra một số tài sản để khắc phục hậu quả gọi là cơ bản thì sẽ thoát án tử hình”, đại biểu Lê Đắc Lâm chỉ rõ.

Phi hình sự để cứu cán bộ ra tù?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhận xét Bộ Luật hình sự sửa đổi hết sức nhân đạo, đã giảm hình phạt tử hình, giảm tất cả các khung hình phạt, tăng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ, đã phi hình sự hóa một số loại tội và hình sự hóa một số loại tội cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Thuyền góp ý tội nhận hối lộ, trước đây, quy định “người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hay qua trung gian nhận, nhận bất cứ một lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc là phạm tội tham nhũng”. Nhưng dự luật lần này bổ sung một câu là “đòi”, khi không ai chứng minh được chuyện đòi nhận hối lộ. Đại biểu cho rằng, ghi thêm câu này vào dự luật thì đương nhiên tiếp tay cho tội phạm tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần phải cân nhắc kỹ tội “cố ý làm trái”
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần phải cân nhắc kỹ tội “cố ý làm trái”

“Nếu không có tiền thì anh không làm nên người ta phải đưa, chứ không phải đòi. Còn nếu chúng ta dùng từ “đòi” là tiếp tay cho tham nhũng. Tôi đã chứng kiến một bộ trưởng trả lời trước Đài truyền hình có nói: Cán bộ của tôi không có đồng chí nào đòi đưa hối lộ, nhưng dân tự đưa. Tôi nghĩ nếu ghi từ “đòi” vào đây, tôi không đồng tình và đề nghị phải bỏ ngay”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Về vấn đề phi hình sự hóa 9 tội được đưa ra bàn thảo, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần phải cân nhắc kỹ tội “cố ý làm trái”. Bởi khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Thuyền thấy nhân dân nêu băn khoăn rằng: “Có phải phi hình sự hóa để giải cứu cho cán bộ ra tù không?”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu rất kỹ, thông tin rất đầy đủ cho đại biểu được biết, hiện bao nhiêu cán bộ hiện nay đang ngồi tù về tội cố ý làm trái, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố về xét xử.

“Nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên những người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố là phải đình chỉ. Những người đang thi hành án phải được ra tù. Nếu chúng ta dùng từ “phi” thì những người đang thi hành án phạt tù, kể cả Vinashine được tha ngay, chỗ này phải giải thích cho kỹ để trước khi Quốc hội bấm nút. Nếu nói thế này, đến lúc đưa ra lại khác, cuối cùng tha hết cán bộ ra thì tôi cho rằng chúng ta có tội với Nhân dân”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói rõ.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm