1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tử hình người tham ô sẽ loại bỏ nghi ngờ dùng tiền thoát án

(Dân trí) - Để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, các nhà khoa học, đại diện sở ngành, nhân dân Hà Nội đều không đồng tình với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ khi đã khắc phục hậu quả.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội vừa tổng hợp báo cáo các ý kiến tham gia vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của các nhà khoa học, chuyên gia, người dân, các sở, ngành trên địa bàn. Báo cáo tập trung cho ý kiến về việc bỏ hình phạt tử hình một số tội và quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình một số trường hợp.

Tử hình thể hiện pháp luật nghiêm minh

Tại điểm c khoản 3 điều 39 trong dự thảo đề cập quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng  trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn.

duong-chi-dung-1-chieu-16-12-9da20-1441902296198
Ngày 16/12/2013, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình về tội tham ô tài sản

Về vấn đề trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, khi lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, đại diện các sở ngành, các nhà khoa học, chuyên gia luật đang sinh sống, làm việc trên địa đều không đồng ý với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ”.

Lý do được Ủy ban MTTQ TP Hà Nội lý giải vì tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ là những tội mang tính chất kinh tế nhưng là những tội trong nhóm tội phạm về chức vụ và tham nhũng cho nên cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.

“Phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung. Việc không bỏ án tử hình về tội tội “tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” cũng đồng thời sẽ loại bỏ được cách hiểu của người dân là dùng tiền để thoát án tử hình”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội nêu rõ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng cho biết, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng ý không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh khi có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 điều 39 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Xử nghiêm tội cướp của, giết người

Về quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng ý với 7 tội danh như tội phá hoại công trình, phương tiện an ninh quốc gia… vì phù hợp với chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội chỉ rõ nếu phá hoại công trình, phương tiện an ninh quốc gia ở mức độ phạm tội có tính chất đặc biệt nguy hiểm thì có thể xử lý về tội khủng bố hoặc tội khủng bố chống chính quyền nhân dân vì hai tội này có mức hình phạt tử hình.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đại diện các tầng lớp nhân dân đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Lý do được đưa ra là qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy ở Việt Nam thì tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy là chủ yếu, còn sản xuất, mua bán ít. Đặc biệt là những năm gần đây hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn.

Nhân dân Hà Nội cũng cho rằng, các vụ cướp của, giết người ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng gây nhức nhối trong xã hội, dư luận nhân dân. Vì vậy, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc loại tội phạm này. Nhân dân Hà Nội đề nghị phải có bản án tử hình để răn đe tội cướp tài sản (điều 33) là cần thiết.

Quang Phong