1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tử hình không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm hình sự”

(Dân trí) - “Thực tế chứng minh rằng không phải cứ xử thật nặng, áp dụng nhiều hình phạt tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Hình phạt và tử hình không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật hình sự”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền phân tích.

 

Ông Nguyễn Đình Quyền trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10 (Ảnh: Thế Kha).
Ông Nguyễn Đình Quyền trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10 (Ảnh: Thế Kha).

 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 30/10 xung quanh việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định lần này bộ luật đã được sửa đổi toàn diện để thể chế hoá quy định của Hiến pháp 2013.

Những thách thức trong việc sửa đổi luật lần này là gì thưa ông ?

Phải quán triệt các tư tưởng của Hiến pháp 2013 vào Bộ luật Hình sự như thế nào là một thách thức vô cùng to lớn. Bởi vì trong thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của tội phạm có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn và trên một số mặt nghiêm trọng hơn. Một số vụ án giết người trong thời gian gần đây là một ví dụ.

Nhưng chúng ta phải thể chế hoá tư tưởng trong Hiến pháp là phải dân chủ hơn trong đó có việc bỏ tử hình, phi hình sự hoá một số tội phạm về kinh tế. Việc sửa đổi hình sự lần này đặt ra những thách thức lớn. Có những mặt hình phạt phải đảm bảo tính răn đe, nhưng có những tội phạm lại phi hình sự hoá. Đây là quá trình chúng ta phải rà soát kỹ trên hai cơ sở: Thứ nhất là những lý luận cơ bản về tội phạm học và hình sự học; thứ hai là trên cơ sở tổng kết thực tiễn.

Cái quan trọng nhất là trên cơ sở thực tiễn. Thực tiễn đòi hỏi cái gì, vướng mắc ở cái gì ?. Tôi chỉ nói một câu ngắn gọn là Bộ luật Hình sự được sửa đổi lần này để phúc đáp, tháo gỡ khó khăn, khúc mắc trong thực hiện; phúc đáp yêu cầu của xu hướng dân chủ của thế giới.

Ví dụ bỏ án tử đối với một số tội thì đó là phúc đáp xu hướng dân chủ của thế giới cũng như một số công ước mà chúng ta tham gia. Bảo đảm hơn các quyền về con người. Kể cả khi người ta phạm tội thì quyền con người vẫn phải được đảm bảo. Đó là sự tiến bộ của Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này.

Về việc phi hình sự hóa một số tội có thể thấy thế này, có những hành vi mà trước đây chúng ta coi là tội phạm nhưng quá trình phát triển kinh tế xã hội như hành vi kinh doanh trái phép thì trong nền kinh tế thị trường thì mức độ nguy hiểm của hành vi đó không nhất thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm nghiêm khắc nhất trong hệ thống trách nhiệm của nhà nước ta. Chúng ta có thể áp dụng các hình thức, ví dụ như cán bộ công chức thì áp dụng hình thức kỷ luật, đối với người dân thì áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc các hình thức bồi thường thiệt hại khác chứ không nhất thiết phải đưa vào hình sự.

Thực tế chứng minh rằng không phải cứ xử thật nặng, áp dụng nhiều hình phạt tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Hình phạt và tử hình không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật hình sự.

Tôi lấy ví dụ, năm 1999 khi tội phạm về ma tuý phát triển thì lúc đó chúng ta sửa Bộ luật Hình sự tăng mức hình phạt đối với tội phạm về ma tuý lên mức cao nhất và có những vụ án chúng ta xử đến 5-6 án tử hình. Nhưng tội phạm ma tuý không giảm mà vẫn cứ gia tăng. Vì vậy hình phạt không phải cứu cánh mà chúng ta phải sử dụng đồng bộ các biện pháp. Ý của tôi là không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm. Đó là chính  sách hình sự cần phải được quán triệt trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này.

Xin hỏi quan điểm của ông về việc sử dụng hình phạt tiền thay phạt tù ?

Về nguyên tắc, tôi không đồng tình với quan điểm chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù. Việc này không quán triệt được tư tưởng trong cải cách tư pháp là chúng ta giảm các biện pháp phạt tù xuống. Thứ hai là người dân sẽ cho rằng những người có tiền thì không phải đi tù. Còn người nghèo không có tiền thì phải bắt vào tù. Như thế không đảm bảo công bằng.

Trong xử lý hình sự, đảm bảo công bằng giữa các chủ thể là việc hết sức quan trọng. Quá trình áp dụng rất dễ phát sinh những kẽ hở.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 30/10, một số đại biểu cũng lo lắng nếu cho phép dùng tiền khắc phục tốt hậu quả thì sẽ được giảm án tù?

Lâu này giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho rằng có một số nơi, khi người ta có hành vi tham nhũng mà chủ động khắc phục thì đình chỉ điều tra. Như vậy là sai pháp luật. Trong một số vụ án, Uỷ ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra. Vì việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là để miễn trách nhiệm hình sự.

Cũng xuất phát từ thực tế thu hồi tài sản tham nhũng chiếm tỷ lệ rất thấp nên có một vấn đề là chúng ta đã mất người rồi, mất cán bộ rồi, chúng ta lại mất luôn tiền của Nhà nước. Một trong những điều mà pháp luật hình sự có thể góp phần vào việc thu hồi tài sản tham nhũng thì Bộ luật Hình sự có đưa ra quy định khuyến khích chủ động khắc phuc. Một mặt đó, đó là tình tiết giảm nhẹ nhưng chủ động khắc phục trước khi bị phát hiện thì có thể xem xét để giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Đó là xuất  phát từ tình hình thực tiễn là tỷ lệ thu hồi tài sản bị tham nhũng rất thấp.

Việc này không phải bây giờ mới có mà bộ luật hình sự hiện hành cũng có rồi, lần này có tăng lên một mức nữa là chủ động trước khi bị phát hiện. Nghĩa là các cơ quan tố tụng chưa phát hiện được hành vi nhưng người phạm tội chủ động khắc phục và khai báo hành vi thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng chỉ là có thể thôi bởi vì người ta còn xem xét tổng thể các tình tiết khác của vụ án.

Một trong những vấn đề dư luận rất quan tâm và bức xúc thời gian vừa qua liên quan đến việc xử lý hình sự đối tượng rải đinh trên đường bộ nhưng đã không được quy định thành một điều riêng trong dự thảo bộ luật lần này, dù trước đó đã từng đưa ra?

Hệ thống pháp luật của Việt Nam là hệ thống pháp luật thành văn. Do đó nó có yêu cầu rất cao về tính ổn định tương đối, tính khái quát. Không phải cứ có điều luật về rải đinh thì chúng ta mới xử lý được hành vi rải đinh. Chúng ta còn có những điều luật khác có tính khái quát cao thì vẫn có thể xử lý được...

Luật thành văn phải đảm bảo tính khái quát thì mới không phải sửa đổi nhiều lần. Tức là một quy định có thể bao đề cập đến nhiều hành vi nên chúng ta vẫn có thể xử lý được. Tính dự báo cũng là yêu cầu tr ng chính sách hình sự.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm