1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Góp ý dự án Luật Thi hành án:

Có nên để bộ Tư pháp thống nhất quản lý thi hành án?

(Dân trí) - “Phải chấp nhận thay đổi, vì chỉ có thay đổi mới tìm được cái mới”, đó là quan điểm của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum tham gia đóng góp vào dự án bộ luật thi hành án. Theo hướng điều chỉnh của dự án luật, toàn bộ việc thi hành án, cả hình sự, dân sự và hành chính sẽ do một cơ quan nhà nước thống nhất quản lý, đó là bộ Tư pháp.

Bộ luật thi hành án được đánh giá là bộ luật lớn, với phạm vi điều chỉnh rộng. Chính vì vậy, Quốc hội đã dành hai buổi để thảo luận về dự án bộ luật này. Ngay tại buổi đầu tiên, rất nhiều đại biểu đã đăng đàn tham gia đóng góp ý kiến, nhiều đại biểu phải đăng ký lần hai để có thể bày tỏ hết quan điểm của mình.

 

Chuyển hay không chuyển?

 

“Tôi băn khoăn về tính khả thi khi chuyển thi hành án hình sự sang bộ tư pháp. Liệu sự thay đổi này có tốt hơn?”, đại biểu Hà Văn Khoát, tỉnh Bắc Cạn  lo lắng đặt câu hỏi. Ông cũng lo ngại về chế độ phục vụ, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ quản lý trại giam: “Kể cả chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý trại giam có phẩm chất tốt, nhưng không hoạt động như lực lượng vũ trang thì liệu có hiệu quả khi hiện nay trong các trại giam có nhiều tội phạm mang những tội nghiêm trọng”.

 

Việc chuyển cả thi hành án hình sự sang bộ Tư pháp quản lý đồng nghĩa với việc phải giải quyết vấn đề 1,6 vạn cán bộ chiến sĩ Cục quản lý trại giam sẽ như thế nào: “Vấn đề không chỉ là chế độ khi chuyển sang mà là nguyên tắc hoạt động”, đại biểu Trần Thế Vượng, tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi.

 

Mặc dù còn có ý kiến lo ngại về tính khả thi và hiệu quả quản lý khi chuyển toàn bộ việc thi hành án của cả hình sự, dân sự và hành chính sang bộ Tư pháp, nhưng theo đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum thì phải chấp nhận thay đổi, vì phải có sự thay đổi mới tìm được cái mới và cũng vì công tác quản lý thi hành án trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Minh Phương, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc chuyển quản lý thi hành án phạt tù sang bộ Tư pháp quản lý là cần thiết: “Điều này có ý nghĩa lớn lao trong cải cách tư pháp”, và ông kết luận: “Hình phạt không chỉ là trừng trị mà còn phải cải tạo, giáo dục người phạm tội. Vì vậy, mặc dù có thể có xáo trộn về lực lượng, về con người nhưng không thể vì thế mà không làm”.

 

Một số ý kiến đại biểu cũng nêu quan điểm nên để bộ Tư pháp quản lý thi hành án cả hình sự, dân sự, hành chính vì nếu việc quản lý tản mạn sẽ kém hiệu quả trong điều hành, cụ thể là hiện nay, lượng án tồn đọng khá nhiều và chất lượng thi hành án còn thấp.

 

Thi hành án là hoạt động tố tụng hay tư pháp?

 

Việc xác định Thi hành án là giai đoạn tố tụng hay là hoạt động tư pháp có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến việc thiết kế bộ luật, xây dựng luật… Nhưng vì chưa có sự nhận thức thống nhất về vấn đề này nên cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án bộ luật thi hành án. “Chúng ta phải xác định rõ công tác thi hành án là gì? Nó nằm ở vị trí nào trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm? Có phải là một giai đoạn của hoạt động  tố tụng không? bởi nó ảnh hưởng đến việc thiết kế bộ luật”, đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum đặt câu hỏi. Và ông tự trả lời: “Đây là khâu hành chính tư pháp. Không phải là một khâu của tố tụng mà là hậu tố tụng”.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng, tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, cần phải xác định rõ, thi hành án có phải là giai đoạn tố tụng không? Bởi nếu không làm rõ thì toàn bộ những qui định trong bộ luật sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

 

Kết thúc phần phát biểu của mình, đại biểu Phan Trung Lý, tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ quan điểm, đồng tình với ý kiến phải coi thi hành án là hoạt động hành chính tư pháp.

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh