1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có nên cho phép thành lập văn phòng công chứng tư nhân?

Bạch Huy Thanh Hoa Lê

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án cho phép thành lập thêm mô hình văn phòng công chứng tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển.

Chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng sửa đổi.

Trình 2 phương án

Nội dung nhận được nhiều ý kiến là việc có nên cho phép thành lập văn phòng công chứng (VPCC) tư nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như quy định hiện hành thì cho phép thành lập thêm mô hình VPCC tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC hợp danh.

Phương án 2 là quy định như dự thảo Chính phủ trình, tiếp tục quy định VPCC chỉ được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

Có nên cho phép thành lập văn phòng công chứng tư nhân? - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện có 2 luồng quan điểm khác nhau về việc có nên cho phép thành lập VPCC tư nhân.

Theo đó, một số ý kiến ủng hộ mô hình VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Số khác đề nghị quy định thêm mô hình VPCC tư nhân, có thể áp dụng đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công chứng là dịch vụ công cơ bản, nghề bổ trợ tư pháp nên có đặc thù riêng. Do đó, Luật Công chứng hiện hành và dự thảo luật đều không quy định về mô hình VPCC là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc có thành viên góp vốn.

Quy định như vậy cũng đồng nghĩa với việc không khuyến khích mục tiêu kinh doanh chỉ để thu lợi nhuận, mà tập trung vào việc hành nghề công chứng của các thành viên hợp danh và chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên này đối với hoạt động công chứng do mình thực hiện.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án như đã đề cập. Trong đó đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý theo phương án 1.

Phương án này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở địa bàn vùng sâu, vùng xa do mô hình này chỉ yêu cầu một công chứng viên làm chủ.

Tuy nhiên, mô hình cũng có hạn chế là khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định.

Nhiều đại biểu ủng hộ phương án 1

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu ủng hộ phương án 1. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) ủng hộ phương án 1 về việc cho phép thành lập VPCC tư nhân.

Ông đề nghị làm rõ thế nào là địa bàn có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC hợp danh…

Có thể giao cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh quy định chi tiết việc này, tránh tình trạng các VPCC hợp danh đang hoạt động hiện nay tách ra thành VPCC tư nhân một cách tràn lan, theo ông Thông.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng ủng hộ phương án 1. Về lo ngại một công chứng viên khó bảo đảm VPCC hoạt động liên tục, ổn định, ông Hòa cho rằng so sánh với lợi ích người dân có thể dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công chứng thì vẫn nên cho phép thành lập VPCC tư nhân.

"Dẫu sao có còn hơn không, nếu bỏ ngỏ như hiện nay thì không thể thành lập được", ông Hòa nói.