Cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng ân hận vì... lấy nhầm chồng
(Dân trí) - Trong những lời cuối cùng nói tại toà trước khi HĐXX vào nghị án, Nguyễn Thị Thuận dõng dạc: sai lầm lớn nhất của Thuận từ nhỏ tới giờ là lấy nhầm chồng; đồng thời vẫn một mực kêu oan.
Luật sư Trần Đình Triển “vạch” ra những sai lầm của các đồng nghiệp ở phía đối diện trong việc tố các cơ quan điều tra có những sai phạm về tố tụng hình sự trong vụ án này. Cụ thể, lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra hoàn toàn phù hợp với những chứng cứ khách quan thu thập được tại hiện trường.
Theo các luật sư bào chữa cho các bị cáo, việc bổ sung chiếc thước nhôm ở giai đoạn điều tra sau là không hợp lý; vật chứng đó cũng không đưa ra được tại toà. “Bẻ” lại điều này, LS Triển lý giải, do chiếc thước nhôm là vật chứng khi các bị cáo khai nhận đã sử dụng nó để thực hiện hành vi phạm tội. Lúc đó, vật chứng này đã bị tiêu huỷ do cơ quan khám nghiệm không ngờ đó lại là công cụ gây án.
Đồng thời, LS Triển cũng khẳng định, một điều tra viên hoàn toàn có thể hỏi cung 3 bị cáo cùng 1 lúc vì ở mỗi phòng hỏi cung có một người trực tiếp hỏi và ghi biên bản. Vì vậy, việc 3 bản cung của 3 bị cáo có thời gian lập giống nhau là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải bàn cãi.
Tiếp đó, LS Triển “bác” lại bản án sơ thẩm, cho rằng bản án này còn quá nhẹ so với mức độ gây án của các bị cáo; đồng thời nêu ra hàng loạt càng tình tiết tăng nặng. Đối với bị cáo Hà và Tiệp, khi phát hiện vụ hoả hoạn đã dửng dưng nhìn mà không cứu chữa trong khi hoàn toàn có khả năng.
LS Triển cho rằng các bị cáo phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc và phân công trước. Điều này thể hiện trong lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra.
Một tình tiết tăng nặng khác là các bị cáo đã quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Bị cáo Thuận khi có ý định phóng hoả nhà anh Hưng đã có người ngăn cản song vẫn cố làm, còn nói rằng mình sẽ chịu hết tội.
Không những vạch rõ tội ác của các bị cáo, LS Trần Đình Triển còn nêu ra những nghi ngờ về một vụ “chạy án”. LS Triển không đồng ý với bản án sơ thẩm, cho rằng đã có sự bao che, bỏ lọt tội phạm. “Toà sơ thẩm đã vi phạm luật tố tụng. Khi phát hiện có dấu hiệu của việc “chạy chọt”, người nhà bị hại đã có đơn đề nghị thay đổi thẩm phán. Theo luật, Chánh án phải có trả lời sau đó, nhưng đến tận phiên phúc thẩm hôm nay người nhà nạn nhân vẫn không hề nhận được văn bản nào” - LS Triển lý luận.
Theo LS Triển, chính điều trên cùng với 3 yếu tố khác: 3 bị cáo đồng loạt làm đơn kháng cáo, dư luận về việc gia đình bị cáo Thuận “chạy án” ở Yên Bái và thái độ nhởn nhơ của các bị cáo trước toà - đã đủ để chứng minh có những dấu hiệu của một vụ chạy tội.
LS Triển cho rằng, toà sơ thẩm còn bỏ qua nhiều tình tiết tăng nặng. Trong luật quy định các tình tiết tăng nặng là một trong các tình tiết sau: giết nhiều người; giết trẻ em; phương pháp gây án có khả năng làm chết nhiều người. Theo LS Triển, cần phải kết tội các bị cáo với 1 tình tiết, các tình tiết khác phải đưa vào tình tiết tăng nặng. “Trong khi đó, toà sơ thẩm đưa cả 3 tình tiết trên vào định khung, như vậy là giảm tội cho các bị cáo” - ông Triển nói.
Khi HĐXX hỏi Nguyễn Thị Thuận có tranh luận gì không, Thuận từ từ bước lên, nói rằng mình chờ đợi ngày ra toà đã lâu để có thể trình bày… nỗi oan của mình. Thuận nại ra nhiều điều trách móc chồng mình (anh Nguyễn Chí Tuấn) chậm trễ trong việc chỉ đường cho xe cứu thương, trách chị Hà (vợ Đại uý Hưng) đã… không gọi điện thoại nên mới dẫn đến cái chết…
Thuận vòng vo kể tội chồng. Sau đó, bị cáo sụt sịt, nghẹn ngào nhưng đôi mắt ráo hoảnh, không có nổi một giọt nước mắt, quay sang nói lời xin lỗi với… các luật sư bào chữa cho mình vì hôm qua đã nói là không tin tưởng các luật sư!
Tranh luận tại toà, bị cáo Tiệp tiếp tục tố cáo cơ quan công an đã đánh đập, ép cung mình; cho rằng một mình Tiệp không thể chống lại cả cơ quan công an nên khi bị đánh đã phải nhận tội về mình.
Những lời nói của các bị cáo gây ra sự phẫn nộ lớn cho gia đình bị hại. Các cảnh vệ liên tục phải chỉnh đốn lại trật tự trong phòng xử. Khi các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, khu vực người nhà bị hại gần như náo loạn vì bất bình.
Trước vành móng ngựa nói lời sau cùng, Thuận ráo hoảnh: “Bản án nào đối với bị cáo cũng là sai. Bị cáo vô tội.” Chỉ tay về phía chồng mình, Thuận gằn giọng: “Sai lầm lớn nhất của bị cáo từ nhỏ tới giờ là lấy nhầm phải người chồng kia!!!”
Cũng giống Thuận, trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Hà và Tiệp đều kêu oan với “kịch bản” giống nhau. Sau khi khẳng định mọi bản án kết tội mình đều sai, cả hai giơ cao tay, hô lớn kêu oan.
HĐXX tuyên bố tạm nghỉ để nghị án. Chiều nay, bản án phúc thẩm sẽ được tuyên…
Tiến Nguyên