DMagazine

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa

(Dân trí) - Bỏ công việc giáo viên cùng cơ hội trong ngành sư Phạm, Nguyễn Huyền Trang - cô gái gốc Hà Nội đã quyết định chuyển vào lập nghiệp tại Đà Nẵng, gắn bó với nghề thêu

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa 

Bỏ công việc giáo viên cùng cơ hội trong ngành sư Phạm, Nguyễn Huyền Trang (31 tuổi) - cô gái gốc Hà Nội đã quyết định chuyển hướng sang nghề thêu tay truyền thống. Chuyển vào sống, lập nghiệp tại Đà Nẵng, Trang từng bước khẳng định lối "đi ngược" của mình.

Bỏ nghề giáo đi "se chỉ luồn kim"

Huyền Trang vốn là một giáo viên dạy hóa cấp 2 tại một trường công lập ở Hà Nội. Sau 7 năm đi làm, cô nhận ra mình không hợp với nghề. Lúc đó, Trang chưa tìm được hướng đi. Để tìm nguồn vui, cô đi học làm hoa vải, mày mò học thêu. Rất nhanh sau đó, Trang đắm đuối với lĩnh vực mới.

"Nhiều khi, mình thao thức mãi vì tấm vải muslin quá đẹp mà chỉ loang theo màu nào cũng rất ư là tình. Lắm lúc nghĩ, muốn thêu cả thế gian, trải hết lòng mình vào khuôn vải. Nhưng cũng phải tiết chế vì khả năng và điều kiện chưa cho phép" - cô tâm sự.

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa - 1

Năm 2018, Trang nghỉ việc, chọn vào Đà Nẵng sống và lập gia đình. Cô chỉ thực sự đến với nghề thêu trong thời gian chờ xin việc dạy học tại đây. Trong lúc đợi các trường duyệt hồ sơ, cô mày mò làm sản phẩm handmade như hoa giấy, thêu tay, vẽ tranh... Khách đến đặt hàng thêu ngày một nhiều, cô quyết định thôi hẳn dạy học, chuyên tâm vào nghề thêu.

Ban đầu, chẳng ai đồng tình với quyết định "điên rồ", "ngược đời" này. Mẹ cô - người đã vất vả, dồn mơ ước cả cuộc đời mình để vun đắp cho con gái trở thành cô giáo - gay gắt phản đối. Làm công việc tự do trong gia đình bên chồng - gồm toàn giáo viên và viên chức nhà nước - cũng là một "lối đi ngược" thực sự liều lĩnh của Trang.

Để thuyết phục mọi người, Trang kiên trì chứng minh bằng hành động. Cô nhờ cha mẹ giúp vài công đoạn như mua vải, may khăn, may áo để thêu. Cô xin góp ý của người lớn về cách chọn vải, cách may, thêu sao cho đẹp. Khi đơn hàng tăng dần về số lượng, doanh thu, thì bố mẹ, người thân cũng tin tưởng, hỗ trợ cô nhiều hơn.

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa - 2

Gian nan lối "đi ngược" tuổi 30

Trang nhớ mãi những ngày đầu lập nghiệp khi chạm mốc 30 - cái tuổi "chưa phải là hết", cũng không còn quá nhiều tài nguyên để phung phí. Cô đã đi mòn đế biết bao nhiêu đôi giày để tiếp thị sản phẩm của mình tới từng cửa hàng ở Đà Nẵng, Hội An. Cô hợp tác với các bạn trẻ mở gian hàng chung, trưng bày đồ thêu handmade tại Hội An. Cô không tiếc công thử nghiệm, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực: Váy áo thời trang thêu tay, tranh thêu, đồ handmade, trang sức thêu, hoa cài áo, đính đá kết cườm, sản phẩm thêu nổi 3D hoặc điêu khắc chỉ.

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa - 3

Tiệm thêu tại nhà của Trang được khách hàng đặt tên cho là "Cửa tiệm Dịu Dàng". Ở đó, họ không chỉ gặp những sản phẩm thủ công tinh tế, mà còn tìm thấy bao xúc cảm lắng đọng, nỗi dịu dàng của cuộc sống được chủ tiệm hết sức nâng niu: Một chiếc túi tote thêu nhành hoa cải vàng tươi khỏa lấp nỗi nhớ quê xa của bạn khách người Hàn Quốc.

Một chiếc khăn thêu cành hoa sưa trắng, chùm lá bàng đỏ rực, bông hoa sữa xanh mềm, xoa dịu niềm thương của ai đó về Hà Nội. Một hình thêu chú voọc chà vá khơi dậy khát khao chinh phục bán đảo Sơn Trà của kẻ mê xê dịch… Sản phẩm thêu luôn đậm dấu ấn cá nhân của cô và khách hàng tìm thấy ở đó sự đồng cảm, thích thú.

"Ngồi đây thêu một tách trà/ Dẫu không thân mật cũng là người dưng" - Biết bao "người dưng" đã trở thành bạn, tri kỷ, đối tác… khi cùng cô ngồi xuống nói chuyện thêu thùa.

Tiệm hút khách, hàng trả không kịp nhất là dịp cuối năm, Trang bận rộn từ sáng tới đêm, cô bắt đầu hướng dẫn, dạy và truyền đam mê với nghệ thuật thêu cho các bạn trẻ Đà Nẵng có chung sở thích. Cô sẵn sàng nâng đỡ các bạn vào nghề làm và kinh doanh sản phẩm thêu tay. Cô mong tìm được nhiều người nghiêm túc để nghề thêu có đất sống, đem lại giá trị và lợi ích chân chính cho xã hội.

Dù bỏ nghề giáo, Trang luôn biết ơn công việc cũ rèn cho cô cách truyền đạt rõ một vấn đề. Nếu được cho một từ khóa, cô sẽ cố gắng tìm hiểu, ghi nhớ, thực hành và hướng dẫn lại một người mới về chủ đề của từ khóa đó.

"Nhờ kỹ năng sư phạm, mình hướng dẫn các bạn mới học thêu tốt hơn. Gần như mình có một tập giáo án cụ thể về từng buổi học, mục tiêu, mục đích, yêu cầu kỹ năng các bạn cần đạt được. Vì vậy mình rút ngắn được thời gian đào tạo, đảm bảo thợ phụ vào nghề rất nhanh" - Trang chia sẻ.

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa - 4

Cô cũng biết ơn cha mình - một người khéo tay, luôn tự tìm tòi học và làm mọi thứ từ xây sửa nhà, thiết kế điện nước, sửa đồ dụng, máy may công nghiệp…

"Ở cạnh một người như thế khiến mình luôn hứng thú tìm tòi mọi điều mới lạ, không ngại học, làm và sửa sai. Đây cũng là kỹ năng đáng quý để mình duy trì nghề thêu đến bây giờ"- Trang nói.

Hiểu rõ bản thân, khó khăn không thể cản đường

Chiều khách, luôn lưu tâm đến cảm xúc khách hàng, nhưng Trang có nguyên tắc riêng cho mình. Cô hạn chế nhận các mẫu sao y bản chính sản phẩm của một nghệ nhân hay hãng thời trang nổi tiếng. Cô tôn trọng sự sáng tạo, thường gợi ý để khách tạo mẫu thêu riêng.

"Khi nhận thành phẩm, khách hay thốt lên "Wow" - ngạc nhiên và thích thú. Có khách phản hồi chưa chuẩn ở điểm này, điểm kia… thì mình luôn sửa đến khi họ ưng ý. Mình cẩn trọng từng đường kim mũi chỉ, để khách hài lòng và ghi nhận giá trị của sản phẩm thêu tay thủ công trên thị trường thời trang" - Trang nói.

Sau một năm khởi nghiệp, đến 2018, Trang bắt đầu vững vàng hơn: Cô mở thêm được cửa tiệm thứ hai ở Hội An, có thêm nhiều thợ phụ. Được chút xíu thành quả thì đến năm 2020, cô gặp vấn đề khủng hoảng tài chính do cộng sự hợp tác rút vốn đột ngột. Rồi mẫu thêu bị các đơn vị khác đạo nhái, đối tác nước ngoài đòi giữ bản quyền nhiều mẫu thêu do Trang sáng tác trên sản phẩm của họ. Năm 2021, Covid bồi thêm "cú đánh" khiến việc kinh doanh của cô chao đảo.

Cô giáo bỏ nghề dạy hóa, theo đuổi đam mê thêu thùa - 5

Để giải quyết chuyện bản quyền, Trang không ngại lên tiếng đấu tranh. Nhiều đơn vị đã phải xin lỗi, gỡ các phiên bản "copy" từ Trang nếu đã "lỡ" công khai. Trước thách thức lớn nhất là dịch bệnh và tài chính, Trang chấp nhận có thể phải làm lại từ đầu: Cắt giảm nhân công, đóng cửa hàng, rút về làm tại nhà. Cô tập trung vào khách quen ở khắp tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và các đơn hàng xuất khẩu.

Trang cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, để có dòng sản phẩm chất lượng, đẹp - bền - giá thành hợp lý. Cô cho rằng đây chính là "cốt lõi" để thu hút khách hàng đến với sản phẩm thêu tay, cũng như đưa thêu tay trở thành nghề nghiệp rộng mở cho những ai có đam mê, thẩm mỹ và quyết tâm theo đuổi.

Nghề thêu đã giúp Huyền Trang nhận ra, sống đúng đam mê đem lại sự bình an, động lực để vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống. Cô tin rằng, không riêng mình mà một khi người trẻ hiểu rõ bản thân mình muốn gì, thì mọi khó khăn đều không thể cản đường.