Cô kỹ sư Hải Phòng theo đuổi "nông nghiệp lười", làm vườn "4 nguyên tắc"
(Dân trí) - Hài hước tự nhận mình đang theo đuổi mô hình "nông nghiệp lười", chị Linh nhiệt tình kể về khu vườn tràn ngập các giống rau trái lạ, cho năng suất cao mà không tốn nhiều thời gian chăm sóc.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (sống ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải phòng) vốn xuất thân là một kỹ sư nông nghiệp. Chị bắt đầu theo đuổi hành trình làm vườn cách đây 5 năm. Ban đầu, chị và một cô bạn cùng đam mê thử trồng hoa trong chậu. Sau đó, cả hai chuyển dần sang trồng các loại rau củ quả độc đáo, cho năng suất cao.
"Thời gian đầu làm vườn, vì quỹ đất hạn chế nên chúng mình chỉ trồng trong chậu, giúp kiểm soát mọi điều kiện chăm sóc thuận tiện hơn, nhất là với những giống hoa và rau đẹp nhập từ nước ngoài đòi hỏi quy trình trồng trọt, chăm sóc kỳ công. Khi có dịp đi công tác nước ngoài, mình thấy rau củ quả của nước họ đẹp quá nên quyết tâm thử nghiệm chinh phục và dần đam mê từ lúc nào không hay", chị Linh nói.
Khởi đầu từ 30m2 trên sân thượng, chị Linh và người bạn tiếp tục mở rộng mô hình, theo đuổi niềm đam mê với nông nghiệp sạch bằng mảnh vườn có diện tích 200m2. Đây là nơi cung cấp rau trái đảm bảo chất lượng cho gia đình chị và họ hàng, bạn bè thân thiết.
Tuy công việc riêng khá bận nhưng chị Linh vẫn đảm bảo trồng trọt, làm vườn nông sản sạch một cách chỉn chu. Chị áp dụng các tiêu chí hàng đầu cho khu vườn của mình là đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian và cho năng suất cao, rau củ quả đẹp mắt. Bên cạnh đó, chị cũng có những nguyên tắc riêng để làm vườn, trồng rau hiệu quả, thu hoạch thành quả lao động "mỏi tay".
Nguyên tắc đầu tiên là mùa nào thức đó. Chị Linh trồng cây đúng vụ để hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Mùa hè nắng nóng, gia chủ trồng dưa, bầu, bí. Riêng các loại rau ăn lá thì trồng quanh năm. Sang mùa đông, vườn chủ yếu gồm các giống cây có khả năng chịu lạnh như bắp cải, su hào, cà chua.
Để rau trái phát triển khỏe mạnh, người phụ nữ Hải Phòng áp dụng nguyên tắc thứ hai là đầu tư chăm sóc sức khỏe đất. Cứ thu gom được bao nhiêu xác bã thực vật từ vụ trước, chị Linh lại vùi hết xuống đất để tăng chất mùn, vừa đỡ tốn công dọn dẹp vườn, vừa kích hoạt hệ vi sinh, tăng khả năng giữ nước cho đất và giảm tần suất tưới tiêu.
Nữ kỹ sư công nghiệp cũng áp dụng các biện pháp để tăng cường sức kháng tự nhiên cho cây. Đây là nguyên tắc thứ ba chị thường áp dụng trong quá trình chăm sóc rau trái.
Nguyên tắc cuối cùng được chị Linh xem như "bí quyết vàng" để làm vườn hiệu quả mà không tốn nhiều công sức chăm sóc, đó là áp dụng phương pháp trồng xen canh. Ví dụ như giống bầu, bí ưa nắng thì chị làm giàn, trồng ở khu vực đón được nhiều ánh sáng nhất. Bên dưới giàn, chị tận dụng để gieo hạt cải hoặc xà lách vì đây là hai giống cây ưa bóng râm, đồng thời che chắn gốc cho bầu, bí. Nhờ đó chị đỡ tốn công dọn dẹp cỏ hay tưới nước cho cây.
Với gia đình chị, khu vườn có ý nghĩa to lớn cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Các con chị có thêm không gian để học hỏi, phân biệt các loại cây và khám phá, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên. Mỗi dịp cuối tuần, bạn bè cũng ghé thăm vườn để trải nghiệm làm nông dân, thu hoạch nông sản.
"Mình thấy rất hạnh phúc khi lan tỏa được niềm đam mê trồng trọt, làm vườn tới các con. Chúng đã thuộc tên từng loại cây, loài hoa trong vườn, đọc vanh vách những giống rau mẹ đang trồng. Các bé còn biết đặt câu hỏi hết sức tự nhiên như "Mẹ ơi, giun ở dưới lòng đất sao mà thở?", "Sao mẹ lại hót lá cây rải xuống đất",... Mình nhận thấy cuộc sống của thiên nhiên, cây cỏ cũng giống như một xã hội thu nhỏ hàng ngày nên thông qua mô hình vườn nhà như vậy, các con sẽ học hỏi được rất nhiều điều, trưởng thành hơn và làm phong phú trí tưởng tượng", chị Linh bày tỏ.